
Một hệ thống HIMARS (Ảnh minh họa: EP).
Lầu Năm Góc đã tạm ngừng các đợt chuyển giao tên lửa phòng không quan trọng cho Ukraine do lo ngại về tình trạng cạn kiệt kho dự trữ của Mỹ. Động thái này diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi Nga vừa thực hiện các đợt tấn công bằng tên lửa và UAV lớn nhất từ trước đến nay trong tháng 6.
Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiga đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình, đồng thời tuyên bố Ukraine sẵn sàng "mua hoặc mượn" hệ thống phòng không nếu cần thiết.
Chỉ trong tháng 6, Nga đã phóng hơn 330 tên lửa (gồm gần 80 tên lửa đạn đạo), hơn 5.000 UAV tấn công và 5.000 bom điều khiển vào Ukraine.
Giờ đây, Mỹ đã tạm dừng chuyển giao: Tên lửa Patriot, đạn pháo 155mm, tên lửa GMLRS chính xác cao.
Không có nguồn tiếp tế tên lửa Patriot ổn định, Ukraine sẽ mất lớp lá chắn chủ lực trước các tên lửa đạn đạo của Nga. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng ở đó vì mạng lưới phòng không của Ukraine phụ thuộc sâu vào Mỹ, ở cả năng lực tầm xa, tầm gần và tầm trung.
Phòng thủ tầm xa: Patriot là công cụ chính chống lại tên lửa đạn đạo. Pháp - Italy đã viện trợ hệ thống SAMP/T cho Ukraine, nhưng chuyên gia Serhii Morfinov cảnh báo "nguồn tên lửa SAMP/T rất hạn chế".
Tầm trung: NASAMS Na Uy sử dụng tên lửa Mỹ AIM-9 và AIM-120. Hệ thống HAWK cũ của Mỹ cũng đòi hỏi nguồn cung từ Washington.
Tấn công chính xác: HIMARS mất đi tên lửa GMLRS, vũ khí chủ lực đánh sâu vào tuyến sau của Nga trong phạm vi 80km.
Phòng thủ tầm gần: Tên lửa Stinger và hệ thống Avenger gắn trên xe bảo vệ bộ binh và căn cứ khỏi UAV, trực thăng thấp.
Trong khi đó, các hệ thống phương Tây viện trợ cho Ukraine nhưng không phải do Mỹ sản xuất rất khó để thay thế vũ khí Washington, vì số lượng hạn chế và khả năng tác chiến trước các đòn tấn công của Nga.
Mặt khác, với các hệ thống di sản từ thời Liên Xô như Buk, Tor, S-125, Ukraine đã cạn đạn đánh chặn từ lâu.
Giờ đây, Ukraine phải đối mặt với kịch bản rất bất lợi. Thiếu Patriot, Ukraine đặc biệt dễ tổn thương trước tên lửa đạn đạo nhằm vào các mục tiêu như: Máy bay tại sân bay, sở chỉ huy quân sự, nhà máy quốc phòng, trung tâm hậu cần và hạ tầng năng lượng, hệ thống phòng không (kết hợp với tấn công bằng UAV bầy đàn).
Nga có thể sử dụng số lượng lớn UAV để dò vị trí của hệ thống phòng không Ukraine, sau đó tập kích tên lửa. Ukraine khi đó sẽ không có đủ tên lửa Patriot để ngăn chặn.
Ngoài vấn đề về phòng không, Ukraine nguy cơ mất khả năng phản pháo vì Mỹ dừng chuyển đạn 155mm. Thêm vào đó, thiếu tên lửa GMLRS sẽ buộc Kiev phải điều tiêm kích F-16 nếu muốn tấn công vào tuyến sau của Nga, điều có thể khiến rủi ro gia tăng.
Quan chức quốc phòng Elbridge Colby giải thích rằng, việc đóng băng này nhằm đánh giá lại viện trợ nhằm đảm bảo “mức sẵn sàng của lực lượng Mỹ theo các ưu tiên quốc phòng”. Điều đó dường như ám chỉ trọng tâm mới của Mỹ không còn xếp Ukraine ở hạng 1.
Ví dụ, trong xung đột vừa qua ở Trung Đông, Mỹ đã phải sử dụng lượng tên lửa Patriot lớn nhất lịch sử để ngăn tên lửa Iran tấn công căn cứ Washington ở Qatar. Điều đó cho thấy, Mỹ đang có những ưu tiên khác ở những khu vực khác trên thế giới và họ cần đảm bảo khả năng sẵn sàng tác chiến để không bị động trước mọi tình huống.
Ukraine giờ đây phải tự tìm cách cứu lấy mình bằng việc chủ động sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng nước này cũng đối mặt với thách thức lớn khi chưa thể sản xuất hệ thống phòng không và tên lửa chính xác với số lượng lớn và đủ uy lực để ngăn chặn vũ khí Nga.