
Lính Ukraine khai hỏa vũ khí (Ảnh: Getty).
"Trong những ngày tới, vũ khí sẽ được chuyển giao với số lượng kỷ lục để giúp Ukraine tự vệ”, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một thành viên của đảng Cộng hòa từ bang Nam Carolina, tuyên bố hôm 13/7. "Trong những ngày và những tuần tới, sẽ có nỗ lực lớn để đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin vào bàn đàm phán", ông nói thêm.
Ông Graham cho biết cuộc xung đột đang tiến gần đến một bước ngoặt khi Tổng thống Donald Trump ngày càng quan tâm đến việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Nghị sĩ Graham và nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal từ bang Connecticut đều khẳng định sự đồng thuận ngày càng cao tại Lầu Năm Góc và giữa các quan chức châu Âu về việc sử dụng một phần trong số 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Nga, do các nước G7 nắm giữ kể từ khi xung đột bắt đầu, để hỗ trợ Ukraine.
"Đã đến lúc phải hành động", nghị sĩ Blumenthal nói.
Cuối tuần qua, Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã phê duyệt 500 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine như một phần của dự thảo cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2026.
NDAA được Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 9/7 bao gồm một điều khoản gia hạn Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine đến năm 2028, tăng tài trợ được ủy quyền lên 500 triệu USD so với 300 triệu năm 2025.
NDAA là một dự luật chính sách hàng năm nhằm cho phép các mức tài trợ và cung cấp thẩm quyền cho quân đội Mỹ. Đạo luật đảm bảo rằng các lực lượng Mỹ có các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của họ và được giám sát chặt chẽ bởi các nhà sản xuất vũ khí như Lockheed Martin và Boeing.
Các nguồn thạo tin ngày 10/7 cho hay, đội ngũ của Tổng thống Donald Trump đang xác định các loại vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ để gửi cho Ukraine trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công Ukraine.
Một nguồn tin cho rằng giá trị của gói viện trợ này có thể vào khoảng 300 triệu USD.
Đáng chú ý là lần đầu tiên kể từ khi trở lại nhiệm sở, Tổng thống Trump sẽ cho phép gửi khẩn cấp vũ khí tới Ukraine bằng thông qua cơ chế Quyền Rút kho Tổng thống (PDA). Điều này báo hiệu sự thay đổi tiềm tàng trong cách tiếp cận của chính quyền ông Trump nhằm bảo vệ Ukraine.
PDA là đạo luật cho phép chính phủ Mỹ rút trực tiếp vũ khí trong kho để chuyển cho đối tác trong trường hợp khẩn cấp mà không cần quốc hội thông qua.
Chính quyền tiền nhiệm Joe Biden cũng đã sử dụng PDA để cung cấp hàng vũ khí cho Ukraine trong suốt 3 năm xung đột Nga - Ukraine, một động thái mà ông Trump từ chỉ trích gay gắt.
Tổng thống Trump đầu tuần trước tuyên bố Mỹ sẽ gửi thêm vũ khí cho Ukraine để giúp nước này phòng thủ trước các đợt tấn công ngày càng ác liệt của Nga. Gói viện trợ có thể bao gồm tên lửa phòng không Patriot và tên lửa tầm trung tấn công.
Cho đến nay, viện trợ quân sự của chính quyền Tổng thống Trump dành cho Ukraine chỉ bao gồm các loại vũ khí đã được cựu Tổng thống Joe Biden phê duyệt.
Lập trường của Tổng thống Trump về việc hỗ trợ Ukraine bị đánh giá là thiếu nhất quán. Đôi lúc ông chỉ trích việc Mỹ chi hàng chục tỷ USD viện trợ cho Ukraine, và có quan điểm thân thiện với Nga. Đôi lúc, ông bày tỏ ủng hộ Kiev và chỉ trích Điện Kremlin.
Đầu tháng này, chính quyền Tổng thống Trump từng tạm dừng việc chuyển giao một số loại vũ khí thiết yếu vốn đã được chính quyền tiền nhiệm phê duyệt.
Hiện Mỹ còn khoảng 3,86 tỷ USD dành cho Ukraine thông qua PDA, với gói gần nhất là khoản viện trợ 500 triệu USD do ông Biden phê duyệt ngày 9/1, chưa đầy hai tuần trước khi rời nhiệm sở.
Các ưu tiên cấp thiết nhất của Ukraine hiện nay bao gồm tên lửa Patriot và pháo phản lực dẫn đường GMLRS (Guided Multiple Launch Rocket System). Cả hai đều có thể nằm trong gói viện trợ mới.