Hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc: Kinh nghiệm của Thái Lan và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Bài viết phân tích kinh nghiệm của Thái Lan trong việc hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, từ đó đề xuất một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.

NCS. Thân Mai Phương

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn và đầy tiềm năng, nhưng cũng có những yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và truy xuất nguồn gốc. Thái Lan được đánh giá là quốc gia tiên phong trong ASEAN với chiến lược tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách bài bản và linh hoạt. Bài viết phân tích kinh nghiệm của Thái Lan trong việc vận dụng đồng bộ các chính sách về tài chính, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường, phát triển hạ tầng logistics và cải cách thủ tục thuế quan… nhằm hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Từ đó, bài viết đề xuất một số hàm ý chính sách cho Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực truy xuất và đàm phán các cơ chế hợp tác linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc trong giai đoạn tới.

Từ khóa: Xuất khẩu nông sản, thị trường Trung quốc, chính sách hỗ trợ, hàm ý chính sách, kinh nghiệm Thái Lan

Summary

China is a major and high-potential export market for agricultural products. However, it also imposes increasingly stringent requirements related to quality, technical standards, and traceability. Thailand is has emerged as a pioneer among ASEAN countries in strategically and flexibly approaching the Chinese market. The study analyzes Thailand's experience in implementing a comprehensive set of policies on finance, digital transformation, traceability systems, market expansion, logistics infrastructure development, and customs reform, to support agricultural exports to China. Drawing from the experience, the study proposes several policy implications for Viet Nam, emphasizing the pivotal role of the State in supporting enterprises, enhancing traceability capacity, and negotiating flexible cooperation mechanisms to promote agricultural exports to the Chinese market in the coming period.

Keywords: Agricultural exports, Chinese market, support policies, policy implications, Thailand’s experience

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, nên việc thiết lập và khai thác hiệu quả quan hệ song phương trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược thúc đẩy xuất khẩu nông sản của các quốc gia đang phát triển sang thị trường này. Thái Lan là một trong những nước ASEAN đi đầu trong việc tận dụng các công cụ chính sách để mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc.

Việc ký kết Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (DTA) với Trung Quốc từ năm 1986 không chỉ giúp Thái Lan giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp, mà còn tạo thuận lợi trong luồng thương mại và đầu tư song phương. Đặc biệt, các Hiệp định Thương mại Tự do Mini (Mini-FTA) giữa Thái Lan và các địa phương trọng điểm của Trung Quốc như Hải Nam, Thâm Quyến, Vân Nam, Cam Túc thể hiện sự linh hoạt trong chính sách thương mại của Thái Lan. Mini-FTA không chỉ tập trung vào việc thúc đẩy trao đổi thông tin thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mà còn mở rộng hợp tác trong các ngành thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp và thương mại điện tử - những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc. Việc Thái Lan chủ động ký kết FTA ở cấp địa phương cũng cho thấy tầm nhìn chiến lược trong việc thâm nhập thị trường Trung Quốc theo hướng linh hoạt, phân cấp và thích ứng cao.

Từ cách tiếp cận chủ động và sáng tạo của Thái Lan, Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học chính sách quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc - thị trường có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn kỹ thuật. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm của Thái Lan không chỉ mang tính chất tham khảo, mà còn gợi mở hướng đi cụ thể cho Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách, mở rộng hợp tác song phương và phát triển nông sản bền vững, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường Trung Quốc trong giai đoạn mới.

CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA THÁI LAN TRONG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG TRUNG QUỐC

Về hỗ trợ về tài chính

Chính phủ Thái Lan đang triển khai chính sách tài chính kết hợp đa chiều thông qua cho vay ưu đãi, bảo hiểm tín dụng, tài trợ hội chợ, logistic và thương mại điện tử, đặc biệt nhắm vào thị trường nông sản trọng điểm như Trung Quốc.

Về hỗ trợ tài chính xuất khẩu: Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM Thái Lan) là ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, đã cung cấp các dịch vụ tín dụng, bảo lãnh, bảo hiểm rủi ro và một số dịch vụ khác để hỗ trợ các công ty xuất khẩu nông sản của Thái Lan. Theo đó, EXIM Thái Lan đã triển khai gói “Greenovation Export Credit” nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản theo hướng xanh; cho vay lãi suất ưu đãi phục vụ chuỗi cung ứng nông sản hữu cơ, thân thiện môi trường, khuyến khích các DNNVV đặt ra các mục tiêu để tham gia vào chuỗi cung ứng xanh đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc. Ngân hàng cung cấp các gói tài chính xanh với các lợi ích đặc biệt, với mức vay lên đến 50 triệu baht/doanh nghiệp, lãi suất khởi điểm thấp tới 3,99% mỗi năm (thấp hơn lãi suất thương mại thông thường) trong thời hạn tối đa 5 năm, nhằm mục đích vay vốn lưu động, đầu tư dây chuyền chế biến, kho lạnh, truy xuất nguồn gốc… (Đỗ Đức Bình và Đỗ Thu Hằng, 2015). Ngoài ra, EXIM Thái Lan phối hợp với SINOSURE (Trung Quốc) cấp bảo hiểm tín dụng cho các hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Về tài trợ chi phí xúc tiến thương mại: Doanh nghiệp nông sản xuất khẩu của Thái Lan được chính phủ hỗ trợ các chi phí thuê gian hàng tại các hội chợ, như: China-ASEAN Expo, Canton Fair, Fruit Expo (Quảng Châu)…; chi phí vận chuyển mẫu, truyền thông quảng bá sản phẩm nông sản; chương trình hỗ trợ do Cục Xúc tiến thương mại quốc tế (DITP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan điều hành.

Về hỗ trợ tài chính phát triển logistics và vùng nguyên liệu: Chính phủ Thái Lan tài trợ một phần vốn vay cho các dự án như xây dựng nhà máy chế biến nông sản đạt chuẩn xuất khẩu Trung Quốc; hệ thống kho lạnh gần biên giới Thái - Lào; tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc; truy xuất nguồn gốc số hóa.

Về hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi số và thương mại điện tử: Chính phủ Thái Lan tài trợ đến 70% chi phí thiết lập gian hàng trên nền tảng Trung Quốc, như: JD.com, Tmall, Alibaba (UN, UNDP, ILO, UNIDO, UNITAR, 2023); Chương trình “Digital Exporter” hỗ trợ DNNVV xuất khẩu nông sản bằng hình thức livestream, bán hàng online tại Trung Quốc, đặc biệt là trong giai đoạn sau dịch COVID-19.

Về hỗ trợ phòng ngừa rủi ro tỷ giá: Công cụ “Happy FX Forward” của EXIM Thái Lan giúp doanh nghiệp khóa tỷ giá baht/Nhân dân tệ trước khi xuất khẩu, tránh biến động gây lỗ khi thanh toán hợp đồng bằng Nhân dân tệ.

Về hỗ trợ chuyển đổi số

Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác nông nghiệp được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ 26 tại Jakarta, Indonesia ngày 6/9/2023 đã đề cập đến cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc trong việc ứng dụng Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud computing)… và các công nghệ thông tin thế hệ mới trong sản xuất cây trồng, chăn nuôi và thủy sản, thực hiện trao đổi và hợp tác về canh tác thông minh và phát triển các nhóm tài năng về nông nghiệp thông minh, kết nối kiến thức thành thị - nông thôn; mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới đối với các sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích hợp tác giữa các viện nghiên cứu ASEAN và Trung Quốc để phát triển năng lực nghiên cứu, đổi mới trong nông nghiệp xanh, nông nghiệp kỹ thuật số và phát triển bền vững.

Để khai thác hiệu quả nền tảng hợp tác đó, chính phủ Thái Lan đã đẩy nhanh tốc độ kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và thực phẩm trên toàn quốc, với trọng tâm là Big data, nông nghiệp thông minh, thương mại điện tử và cải thiện kinh doanh nông nghiệp. Năm 2022, 4 tiểu ban lớn được thành lập trong Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã (MOAC), tập trung vào Big data và Công nghệ chính phủ, Nông nghiệp thông minh, Thương mại điện tử và kinh doanh nông nghiệp nhằm cải thiện việc ứng dụng công nghệ, đổi mới và tiếp thị trong nông nghiệp. MOAC hợp tác với các Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Công nghệ Nông nghiệp (AIC) tại 77 tỉnh trên toàn quốc để chuyển giao công nghệ cho hơn 8.500 nhà sản xuất và liên kết dữ liệu với Hội đồng Nông dân Quốc gia để cung cấp thông tin và dịch vụ (UN, UNDP, ILO, UNIDO, UNITAR, 2023).

Thái Lan cũng thực hiện chiến lược thị trường dựa trên sản xuất với mạng lưới kinh doanh toàn diện gồm thương mại trực tuyến, ngoại tuyến, hiện đại trên quy mô quốc gia, chiến lược Công nghệ Nông nghiệp 4.0 ứng dụng công nghệ trong toàn bộ chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị từ sản xuất đến bán hàng và chiến lược 3S (An toàn, An Ninh và Bền vững) để đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn, ổn định đến tay người tiêu dùng. Tiếp theo là thực hiện mô hình nông nghiệp - thương mại hiện đại để tích hợp việc quản lý nông sản với tất cả các ngành liên quan để đảm bảo giá trị trong chuỗi cung ứng; thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên kết quả nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học.

Ủy ban Đầu tư (BOI) của Thái Lan là cơ quan chính phủ cung cấp nhiều chính sách ưu đãi về khoa học, công nghệ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để hỗ trợ ngành nông nghiệp và thực phẩm hiện đại. BOI cung cấp giải pháp sáng tạo và công nghệ số như Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) giúp hỗ trợ trong việc lập kế hoạch và quản lý sản xuất nông nghiệp giúp đạt hiệu quả và lợi nhuận cao, đồng thời cũng phục vụ hoàn thiện truy xuất nguồn gốc thông qua hệ thống tích hợp địa lý cho đầu vào, hệ thống di sản và thiết bị thông minh phục vụ quá trình sản xuất, hay chợ điện tử, cổng thanh toán cho thị trường...

Liên minh Toàn cầu về Tạo thuận lợi Thương mại đang hỗ trợ Bộ Nông nghiệp (DOA) tích hợp đầy đủ một hệ thống cấp phép điện tử để hỗ trợ liên kết thông tin xuất nhập khẩu giữa khu vực công và tư nhân vào Trung tâm ePhyto của Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế (IPPC) thông qua Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) của đất nước, cho phép Thái Lan xuất khẩu hiệu quả hơn, an toàn hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Ngày 1/2/2022, DOA đã ra mắt hệ thống ePhyto (chứng chỉ kiểm dịch thực vật điện tử) bắt đầu bằng dịch vụ ứng dụng trực tuyến thí điểm cho 22 mặt hàng chủ lực ban đầu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Bằng cách áp dụng chứng nhận điện tử thông qua ePhyto, các thương nhân Thái Lan có thể giảm hoặc loại bỏ nguy cơ tài liệu bị lỗi, bị mất hoặc bị hư hỏng, gây ra sự chậm trễ trong khi thông quan hàng hóa dẫn đến sản phẩm bị hư hỏng.

Về hỗ trợ truy xuất nguồn gốc

Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về tăng cường hợp tác nông nghiệp cũng đề cập đến cam kết của các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc trong việc mở rộng quy mô nông nghiệp bền vững, có khả năng phục hồi và canh tác carbon thấp, giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp và tái chế chất thải nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy thương mại các sản phẩm nông nghiệp đó và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm xanh, chất lượng và đặc trưng của khu vực.

Văn phòng Chính sách và Chiến lược thương mại Thái Lan (TPSO) đã triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) cho các sản phẩm nông nghiệp, bắt đầu bằng một dự án thí điểm đối với gạo hữu cơ (năm 2019). Sáng kiến này nhằm tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch của gạo, một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Thái Lan. Năm 2020, Chính phủ Thái Lan đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia TraceThai cho toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản, bắt đầu từ thực phẩm hữu cơ địa phương.

Thái Lan cũng đã xây dựng biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia để thống nhất sử dụng cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông, quảng bá sản phẩm. Tính đến tháng 12/2020, trong số các nước ASEAN, Thái Lan là quốc gia có số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhiều nhất (137 chỉ dẫn địa lý thuộc 76 tỉnh/thành phố) (VNA, 2021).

Về hỗ trợ mở rộng thị trường và cung cấp thông tin thị trường

Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, Tổ chức Tiếp thị Nông dân (MOF) và Công ty TNHH Công nghệ Shanghai Taihuixuan đã hợp tác thông qua Biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết vào ngày 15/11/2024, để ra mắt "THAI MALL" trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc. Liên doanh này được hình thành để chuyển sản phẩm nông nghiệp và trái cây Thái Lan vào các trung tâm kinh tế quan trọng của Trung Quốc (Thượng Hải, Thâm Quyến và Đặc khu hành chính Hồng Kông). Theo thỏa thuận này, MOF sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý và cung cấp trái cây cao cấp cho thị trường Trung Quốc (Trade council, 2025). Động thái chiến lược này phù hợp với chính sách của Bộ Nông nghiệp Thái Lan nhằm tích hợp nông nghiệp Thái Lan vào nền tảng thương mại điện tử toàn cầu, đặc biệt tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với hàng nông sản Thái Lan. Quan hệ đối tác này nhằm mục tiêu thúc đẩy doanh thu từ hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dựa trên việc tận dụng chuyên môn của Shanghai Taihuixuan trong thương mại trực tuyến, hậu cần và kho bãi để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Thái Lan trên quy mô toàn cầu.

Về hỗ trợ hạ tầng

Trong những năm gần đây, cùng với sự tiến bộ của các tuyến đường ở khu vực phía Tây Trung Quốc, đường sắt Trung Quốc..., cơ sở hạ tầng hỗ trợ như chuỗi lạnh và kho lạnh trong khu vực đã liên tục được cải thiện, ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản của các nước ASEAN, trong đó có Thái Lan, thâm nhập thị trường Trung Quốc. Ví dụ, bên cạnh vận tải hàng không, sầu riêng của Thái Lan cũng có thể vận tải đường bộ hoặc từ cảng Linchaban đến cảng Tần Châu, Quảng Tây, cảng Quảng Châu và những nơi khác.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) cũng đã tạo điều kiện cho các tuyến thương mại nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn, làm đa dạng hóa các kênh thương mại, xúc tiến hàng hóa từ Thái Lan sang Trung Quốc. Thông qua Đường sắt Trung Quốc - Lào, sầu riêng tươi của Thái Lan hiện đến Trùng Khánh chỉ trong 4 ngày - giảm một nửa thời gian so với vận chuyển qua các tuyến đường bộ, đường biển cũ, giúp tiết kiệm chi phí hơn.

Trong liên minh chiến lược Global Multimodal Logistics (GML), MOF và Pan-Asia Silk Co Ltd (PAS) đã hợp tác để vận hành một mạng lưới vận tải đường sắt để xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Thái Lan. Mạng lưới này được kết nối với Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu và được hỗ trợ bởi hệ thống đường sắt Thái Lan - Lào - Trung Quốc.

Về hỗ trợ đối với thủ tục thuế, hải quan

Trong số các tỉnh của Trung Quốc, Vân Nam gần Thái Lan nhất và đóng vai trò là cửa ngõ và trung tâm hậu cần của các tuyến vận tải đến Thái Lan qua đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Đây cũng là trung tâm phân phối hàng hóa của Thái Lan đến nhiều tỉnh miền Bắc và miền Đông Trung Quốc. Trước đây, hầu hết trái cây nhập khẩu của Thái Lan vào tỉnh Vân Nam đều đi qua Cửa khẩu Mohan. Tuy nhiên, từ ngày 29/7/2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã thiết lập một trạm kiểm soát thông quan trái cây mới tại Cảng Guanleigang ở Tây Song Bản Nạp, Vân Nam. Việc mở cửa hoạt động tại Cảng Guanleigang đã bổ sung thêm một tuyến vận tải mới cho trái cây nhập khẩu của Thái Lan vào Trung Quốc.

Tổng cục Nông nghiệp Thái Lan và GACC cũng đã phát triển một hệ thống thông quan điện tử các chứng nhận kiểm dịch thực vật cho trái cây Thái Lan để thuận tiện cho các nhà nhập khẩu trái cây Trung Quốc.

Thái Lan, với thế mạnh xuất khẩu nông sản, đã tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Hiệp định này giúp giảm thuế suất, giảm thiểu các thủ tục về thông quan đối với các mặt hàng chiến lược như gạo, sầu riêng, nhãn và các loại trái cây nhiệt đới khác. Nhờ vậy, Thái Lan đã chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Không chỉ dừng lại ở trái cây, các mặt hàng như cao su và đường cũng được hưởng lợi từ ACFTA, góp phần đáng kể vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản.

HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

Từ những kinh nghiệm của Thái Lan trong hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, muốn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần chú trọng, triển khai các giải pháp:

Thứ nhất, các cơ quan Chính phủ cần nghiên cứu, tham mưu, tư vấn, cung cấp chính sách ưu đãi về tài chính, đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp và thực phẩm hiện đại. Các ưu đãi này được thiết kế để thu hút đầu tư, nâng cao năng suất và thúc đẩy các hoạt động bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng cần khẩn trương, chủ động thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đưa công nghệ, dữ liệu hỗ trợ tối đa cho hộ sản xuất và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, cần ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV và các hợp tác xã, giúp họ áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc vào quy trình sản xuất và kinh doanh. Các hình thức hỗ trợ có thể bao gồm: cung cấp vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế hoặc hỗ trợ đào tạo, nhằm đảm bảo rằng tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, có thể triển khai truy xuất nguồn gốc, mà không gặp phải rào cản tài chính và kỹ thuật.

Thứ tư, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các đối tác quốc tế và tổ chức các chuyến công tác xúc tiến thương mại để giới thiệu nông sản tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng quan trọng, có nhu cầu tăng cao và giá cao hơn cho nông dân; có kế hoạch hành động và chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu toàn cầu của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Xây dựng kế hoạch để quảng bá trên thị trường toàn cầu trong đó có Trung Quốc giúp hộ sản xuất, doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp.

Thứ năm, cần xây dựng hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics tiên tiến, đóng vai trò là trung tâm trung chuyển nông sản sang Trung Quốc. Các dịch vụ như bảo quản lạnh và quản lý chuỗi cung ứng giúp duy trì chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình vận chuyển.

Thứ sáu, khẩn trương xây dựng kho lưu trữ thương mại quốc gia cung cấp thông tin toàn diện về luật và thủ tục thương mại và hải quan, bao gồm danh mục thuế quan, thuế quan ưu đãi, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan và phán quyết hành chính cho doanh nghiệp và hộ gia đình nắm rõ. Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia nhằm tự động hóa giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tại các cảng biển, sân bay, lồng ghép các biện pháp phi thuế quan và mở rộng hợp tác thương mại song phương và khu vực.

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Đức Bình và Đỗ Thu Hằng (2015). Kinh nghiệm của Trung Quốc và Thái Lan về phát triển thị trường xuất khẩu hàng nông sản và bài học rút ra cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, 4, 12-14.

2. Trade council (2025). Archive for the ‘Agricultural Trade’ Category, July 10, 2025. https://tradecouncil.org/category/news/agricultural-trade/

3. UN, UNDP, ILO, UNIDO, UNITAR (2023). Green jobs and Just Transition policy readiness assessment in the agricultural sector, Case study in Mae Chaem District, Chiang Mai - Specific focus on the Khok Nong Na Model, March 2023.

4. VNA (2021). Thailand promotes geographical indication registration abroad. https://en.vietnamplus.vn/thailand-promotes-geographical-indication-registration-abroad-post201004.vnp

Ngày nhận bài: 9/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 8/7/2025; Ngày duyệt đăng: 21/7/2025