Quan Minh Nhựt
Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ
Ngô Thanh Vũ
Sở Du lịch tỉnh An Giang
Ngô Anh Tuấn, Lê Ngọc Danh
Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ
Tóm tắt
Nghiên cứu ước lượng hiệu quả kỹ thuật của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm doanh nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, doanh nghiệp cơ khí lắp ráp và doanh nghiệp chế biến chế tạo khác) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Kết quả khảo sát 140 doanh nghiệp cho thấy mức hiệu quả kỹ thuật trung bình của các doanh nghiệp còn khá thấp ở hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa quan tâm đáng kể đến việc đầu tư máy móc thiết bị, mức độ đổi mới và mức độ tự động hóa thiết bị công nghệ. Đồng thời, hiệu quả kỹ thuật cũng chịu ảnh hưởng bởi việc vận hành và làm chủ máy móc thiết bị thông qua chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động chưa cao.
Từ khóa: Hiệu quả kỹ thuật, mô hình DEA, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh Vĩnh Long
Summary
This study estimates the technical efficiency of small and medium-sized enterprises in Vinh Long Province (including firms operating in food and beverage processing, handicrafts, mechanical assembly, and other manufacturing sectors). A survey of 140 enterprises reveals that the average level of technical efficiency remains relatively low across most industries examined. The primary reasons are limited investment in machinery and equipment, low levels of innovation, and a lack of automation in technological processes. Furthermore, technical efficiency is also constrained by the enterprises’ limited operational capability and mastery of machinery, which are associated with the low quality of human resources and labor productivity.
Keywords: Technical efficiency, DEA model, small and medium-sized enterprises, Vinh Long Province
GIỚI THIỆU
Hiệu quả kỹ thuật (HQKT) của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng năng suất và tạo ra sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các vùng trong cả nước. Tuy vậy, HQKT là một chỉ tiêu tổng hợp được đánh giá và ước lượng khá phức tạp, vì thế bản thân các DNNVV ít quan tâm, dẫn đến khó xác định và định vị được thực trạng mức HQKT. Các nghiên cứu gần đây cho thấy mức HQKT của hầu hết các DNNVV đều đang ở mức trung bình (Nhựt, 2021, 2022, 2024).
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cộng đồng DN không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhưng sự phát triển này còn khá chậm. Vì thế, rất cần có những lực đẩy tác động đến sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, kể cả trong nước cũng như ở thị trường nước ngoài. Các DN, nhất là DNNVV hiện nay đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức bắt nguồn từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là diễn biến không thuận lợi và khó lường của nền kinh tế thế giới thời gian qua tác động trực tiếp đến nước ta. Nguyên nhân chủ quan nằm ở chính bản thân các DN, đó là kinh nghiệm quản lý còn hạn chế, mức độ đầu tư máy móc thiết bị, khoa học công nghệ, khả năng làm chủ và HQKT trong hoạt động sản xuất kinh doanh còn khá thấp. Cũng chính vì vậy mà các DNNVV khó có thể cạnh tranh hiệu quả với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn.
Xuất phát từ những lí do trên, việc nghiên cứu phân tích, đo lường và đánh giá thực trạng mức HQKT của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long là rất cần thiết.
DỮ LIỆU VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Dữ liệu sử dụng trong phân tích được thu thập từ 140 DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn 2021-2022 thông qua phiếu khảo sát được gửi trực tiếp đến các DNNVV. Trong đó, 36 DN thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống; 31 DN thuộc lĩnh vực chế biến thủ công mỹ nghệ; 21 DN cơ khí, lắp ráp; 52 DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo khác.
Liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều yếu tố đầu vào - một sản phẩm đầu ra như trong nghiên cứu này, để ước lượng HQKT, một tập hợp phương trình tuyến tính phải được xác lập và giải quyết cho từng DN. Vấn đề này có thể thực hiện bởi mô hình phân tích màng bao dữ liệu (DEA) có dạng như sau:
![]() |
Trong đó:
θp = giá trị hiệu quả của doanh nghiệp thứ p
i = 1, 2, ..., N (số lượng doanh nghiệp)
k = 1, 2, ..., S (số sản phẩm đầu ra)
j = 1, 2, ..., M (số yếu tố đầu vào)
yki = sản phẩm đầu ra k được tạo ra bởi doanh nghiệp thứ i
xji = lượng yếu tố đầu vào j được sử dụng bởi doanh nghiệp thứ i
l = véctơ trọng số của các doanh nghiệp khảo sát trong mô hình
Trong nghiên cứu, một mẫu dữ liệu bao gồm 140 DNNVV và mỗi DNNVV sử dụng 5 yếu tố đầu vào (tổng đầu tư máy móc thiết bị, lao động khoa học công nghệ, lao động quản lý bậc cao, chi phí nguyên vật liệu và chi phí năng lượng) để tạo ra đầu ra (tổng doanh thu). Với các biến đầu vào và đầu ra được sử dụng trong nghiên cứu, mô hình DEA trên có thể trình bày chi tiết dưới dạng mô hình thực nghiệm như sau:
![]() |
THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ KỸ THUẬT CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH VĨNH LONG
Hiệu quả kỹ thuật của các DNNVV hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động tương đối thấp (Bảng 1). Trong đó, HQKT trung bình của các DN lĩnh vực chế biến thực phẩm - đồ uống là 0,574 với độ lệch chuẩn và độ rộng tương ứng là 0,322 và 0,047-1,000. Đối với các DN thủ công mỹ nghệ, HQKT trung bình đạt 0,575 với độ lệch chuẩn và độ rộng tương ứng là 0,246 và 0,203-1,000. HQKT trung bình của DN lĩnh vực chế biến, chế tạo khác đạt 0,618 với độ lệch chuẩn và độ rộng tương ứng là 0,302 và 0,044-1,000. Trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, mặc dù hiệu quả còn thấp nhưng DN cơ khí - lắp ráp đạt hiệu quả cao nhất với mức HQKT trung bình là 0,654 với độ lệch chuẩn và độ rộng tương ứng là 0,280 và 0,060-1,000. Các kết quả này cho thấy khả năng ứng dụng máy móc thiết bị và tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn khá thấp.
Bảng 1: Hiệu quả kỹ thuật của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Long
Hiệu quả kỹ thuật | DN chế biến thực phẩm, đồ uống | DN thủ công mỹ nghệ | DN cơ khí, lắp ráp | DN chế biến, chế tạo khác |
---|---|---|---|---|
Trung bình | 0,574 | 0,575 | 0,654 | 0,618 |
Thấp nhất | 0,047 | 0,203 | 0,060 | 0,044 |
Lớn nhất | 1,000 | 1,000 | 1,000 | 1,000 |
Độ lệch chuẩn | 0,322 | 0,246 | 0,280 | 0,302 |
Nguồn: Tính toán ước lượng từ số liệu điều tra DN
Kết quả trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó việc đầu tư máy móc thiết bị, mức độ đổi mới và mức độ tự động hóa thiết bị khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến HQKT của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Ngoài ra, HQKT cũng chịu ảnh hưởng bởi việc vận hành và làm chủ máy móc thiết bị, tiến bộ khoa học công nghệ thông qua chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động của các DNNVV trên địa bàn nghiên cứu (Bảng 2). Đặc biệt, hệ số mức độ tự động hóa trung bình của các DNNVV ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động (chỉ trừ lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống) đều thấp hơn so với mức chuẩn của ngành chế biến chế tạo là 200 triệu đồng (theo Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN). Ngoài ra, các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống và lĩnh vực thủ công mỹ nghệ (2 ngành công nghiệp chế biến chủ lực của tỉnh Vĩnh Long) đều có hệ số năng suất lao động trung bình thấp hơn so với mức chuẩn của ngành chế biến chế tạo là 150 triệu đồng (theo Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN). Đây là nguyên nhân chính làm hạn chế HQKT của các DNNVV trên địa bàn nghiên cứu.
Mặc dù năng lực vận hành, làm chủ máy móc thiết bị để dự báo và có kế hoạch bảo dưỡng, chẩn đoán tổng thể những sự cố hỏng hóc của máy móc thiết bị sẽ góp phần vào việc cải thiện HQKT trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, công tác này chưa được quan tâm và triển khai đầy đủ đối với các DNNVV ở các lĩnh vực nghiên cứu trên địa bàn (Bảng 2).
Bảng 2: Mức độ đầu tư thiết bị và nhân lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Long
Chỉ tiêu | Ngành nghề hoạt động | ||||
Chế biến thực phẩm, đồ uống | Thủ công mỹ nghệ | Cơ khí, lắp ráp | Chế biến, chế tạo khác | ||
Mức độ đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ (%) | 62 | 256 | 57 | 4 | |
Mức độ đối mới máy móc, thiết bị, công nghệ (%) | 8 | 28 | 156 | 230 | |
Mức độ tự động hóa (Triệu đồng) | 255,3 | 78,9 | 71,8 | 34,9 | |
Chất lượng nguồn nhân lực (%) | 59 | 67 | 66 | 94 | |
Năng suất lao động (Triệu đồng) | 9,6 | 123,2 | 218,2 | 207,1 | |
Năng lực bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị (%) | Bảo dưỡng, sửa chữa chẩn đoán tổng thể | 0 | 0 | 0 | 0 |
Bảo dưỡng, sửa chữa chuyên sâu | 0 | 0 | 0 | 0 | |
Bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ | 19 | 16 | 10 | 6 | |
Bảo dưỡng, sửa chữa sự cố | 56 | 48 | 71 | 46 |
Nguồn: Tổng hợp tính toán từ số liệu điều tra DN
KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, HQKT trung bình của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn khá thấp ở hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu (công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, công nghiệp chế biến thủ công mỹ nghệ, cơ khí lắp ráp và các DN chế biến - chế tạo khác).
Trong thời gian tới, các DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có thể cải thiện mức hiệu quả này bằng việc quan tâm và nâng cao mức đầu tư máy móc thiết bị, tăng cường mức độ đổi mới và mức độ tự động hóa thiết bị khoa học công nghệ song song với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và làm chủ được quá trình vận hành máy móc thiết bị công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các DNNVV cần quan tâm hơn nữa về công tác bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị; chú trọng đến công tác bảo dưỡng sửa chữa chẩn đoán tổng thể và bảo dưỡng chuyên sâu hơn là chỉ bảo dưỡng sửa chữa khi có sự cố và bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Khoa học Công nghệ (2019). Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất.
2. Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long (2023). Niên giám Thống kê tỉnh Vĩnh Long năm 2023, Nxb. Thống kê.
3. Quan Minh Nhựt (2017). Thực trạng và giải pháp khả thi tăng cường mức độ và hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh của các DN ở tỉnh Bến Tre, Đề tài tỉnh Bến Tre.
4. Quan Minh Nhựt (2019). Giải pháp tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của các DN khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đề tài cấp bộ.
5. Quan Minh Nhựt (2021). Đánh giá thực trạng ứng dụng, đổi mới công nghệ của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và đề xuất giải pháp, lộ trình đổi mới công nghệ cho phù hợp, Đề tài tỉnh Kiên Giang.
6. Quan Minh Nhựt (2022). Đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, Đề tài tỉnh Vĩnh Long.
Ngày nhận bài: 17/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 2/7/2025; Ngày duyệt đăng: 8/7/2025 |