
Nga vẫn đang có ưu thế trước đối thủ trong cuộc chiến tiêu hao (Ảnh: AFP).
Các binh sĩ Kiev đang chịu sức ép nặng nề trên nhiều mặt trận, trong khi Moscow kết hợp 3 yếu tố chiến đấu thành một chiến lược thống nhất, một "tổng lực" vượt xa giá trị của từng phần riêng lẻ, nhằm đẩy đối phương tới ngưỡng kiệt quệ.
Chiến lược này bắt đầu bằng các đợt tấn công bộ binh nhằm ghìm chân binh sĩ Ukraine, sau đó thả mìn từ máy bay không người lái (UAV), huy động pháo kích để hạn chế khả năng cơ động, trước khi bom lượn chính xác tấn công vào các vị trí phòng thủ của Ukraine.
Theo Telegraph, Nga đã manh nha triển khai chiến thuật này từ năm ngoái, nhưng trong 2 tháng gần đây, lực lượng Nga đã gia tăng đáng kể tần suất sử dụng dọc theo chiến tuyến.
"Cả quân đội Nga đang áp dụng chiến lược này. Chúng tôi gọi đó là chiến lược và cuộc chiến bào mòn", ông Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm Hợp tác và An ninh Ukraine nói.
Theo chuyên gia, Nga tận dụng các lợi thế then chốt: Nguồn quân lực dồi dào và khả năng sản xuất UAV, bom lượn nhanh chóng.
Chiến thuật này đang phát huy tác dụng: Năm ngoái, Nga giành được gần 3.885km2 lãnh thổ, bước tiến lớn nhất kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự vào năm 2022.
"Đây là một hình thái tác chiến tiêu hao điển hình. Ba yếu tố chiến thuật này tạo ra những mâu thuẫn không dễ giải cho phòng tuyến Ukraine", ông Nick Reynolds, chuyên gia về chiến tranh trên bộ tại Viện RUSI của Anh, nhận định.
Cụ thể, các đợt tấn công mặt đất khiến quân nhân Ukraine buộc phải giữ vị trí phòng thủ, hạn chế khả năng cơ động và tạo áp lực lớn liên tục.
"Họ sử dụng số lượng lớn binh sĩ để mở các đợt xung phong vào phòng tuyến Ukraine, nhằm làm kiệt sức binh sĩ Ukraine và tiêu hao tài nguyên. Tại những điểm nóng như Pokrovsk, tần suất tấn công là 2 tiếng một lần, điều này thực sự khiến binh lính mệt mỏi", ông Kuzan nói thêm.
Sau đó, Nga triển khai UAV nhằm giám sát, phong tỏa, thả mìn chiến thuật và phát hiện các điểm yếu. Trong đó có các loại UAV FPV giúp binh sĩ Nga theo dõi chuyển động của quân nhân Ukraine theo thời gian thực và phản ứng tức thì.
"Nhờ các UAV này, Ukraine buộc phải bố trí phòng tuyến cố định, kèm theo các biện pháp ngụy trang như đào hào quy mô lớn để giấu vị trí thực sự của lực lượng", ông Reynolds cho biết.
Yếu tố thứ ba của chiến thuật là bom lượn, vũ khí có khả năng tấn công chính xác từ xa. Những quả bom này có từ thời Liên Xô được gắn thêm cánh điều khiển và hệ thống dẫn đường GPS, có thể được phóng từ máy bay ở phía sau chiến tuyến và bay hàng chục km tới mục tiêu.
"Vấn đề nan giải là: Nếu đào hào cố thủ để tránh pháo kích và UAV, thì bom lượn sẽ san phẳng các công sự đó và chôn vùi cả người. Ukraine buộc phải chọn giữa việc cố thủ, sẽ dẫn đến thương vong và tiêu hao, hoặc cơ động, điều khiến họ dễ bị UAV tấn công và cô lập", ông Reynolds nói.
Theo ông John Hardie từ Quỹ Quốc phòng Dân chủ (FDD), Nga đang gia tăng nhanh chóng sản xuất và sử dụng bom lượn cùng UAV FPV. Riêng năm 2025, Moscow đặt mục tiêu sản xuất 75.000 quả bom lượn, tức khoảng 205 quả mỗi ngày.
Trước chiến thuật gọng kìm này, Ukraine chuyển sang chiến lược phòng thủ linh hoạt, liên tục thay đổi vị trí, không giữ cố định, đồng thời sử dụng kết hợp mìn, UAV tấn công và pháo binh để tiêu hao lực lượng Nga trước khi đối phương tiếp cận các vị trí phòng thủ mỏng.
Kiev cũng mở rộng các đơn vị UAV, tăng mạnh sản lượng UAV FPV và các hệ thống không người lái khác.
"Theo thời gian, quân nhân Ukraine đã trở nên rất sáng tạo và linh hoạt trong việc đối phó với các hình thức tấn công của Nga", ông Hamish de Bretton-Gordon, cựu đại tá quân đội Anh và chuyên gia vũ khí hóa học nhận xét.