Động thái cứng rắn của EU với Nga trước ngày đàm phán về Ukraine

() - Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga, chủ yếu nhắm vào đội tàu chở dầu ngầm của Moscow.
Động thái cứng rắn của EU với Nga trước ngày đàm phán về Ukraine - 1

Một cảng dầu ở Nga (Ảnh: Reuters).

"Đây là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy EU vẫn đoàn kết ủng hộ người dân Ukraine", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa thông báo hôm 14/5.

Theo một quan chức cấp cao của EU, gói trừng phạt mới của EU nhắm vào gần 200 tàu của đội tàu chở dầu ngầm Nga, 30 công ty bị cáo buộc có liên quan đến việc trốn tránh lệnh trừng phạt và 75 lệnh trừng phạt đối với các thực thể và cá nhân có liên quan đến tổ hợp công nghiệp - quân sự của Nga.

Phương Tây cáo buộc Nga sử dụng đội tàu chở dầu ngầm để tránh lệnh trừng phạt của phương Tây và vận chuyển dầu vượt mức giá trần do G7 áp đặt. Các nước châu Âu cũng cáo buộc đội tàu này có liên quan tới hoạt động gián điệp.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen xác nhận việc phê duyệt gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga, trong đó nhắm vào đội tàu chở dầu ngầm của Moscow.

"Chúng tôi đang hạn chế hơn nữa quyền tiếp cận công nghệ chiến trường. Và chúng tôi đã liệt kê thêm 189 tàu chở dầu ngầm để nhắm vào xuất khẩu năng lượng của Nga. Cuộc chiến này phải kết thúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên Điện Kremlin", Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhấn mạnh.

Liên minh châu Âu (EU) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tăng cường gây sức ép lên Nga, yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức trước thềm cuộc đàm phán tiềm năng giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5. Các nước này cảnh báo nếu Moscow không chấp nhận, họ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Moscow.

Đặc phái viên Mỹ về Ukraine, ông Keith Kellogg, nói trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox Business ngày 13/5 rằng Mỹ có thể áp đặt lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga nếu không đạt được tiến triển nào trong việc giải quyết xung đột Ukraine.

Ông Kellogg nhắc lại rằng một dự luật trừng phạt mới đối với Nga đã được chuẩn bị tại Quốc hội Mỹ, với sự ủng hộ của hơn 70 thượng nghị sĩ. Các lệnh trừng phạt chủ yếu nhắm vào Ngân hàng Trung ương Nga hoặc hạm đội ngầm, gồm các tàu vận chuyển phần lớn dầu của Nga ra nước ngoài.

Ông cũng cho biết khoảng 70% dầu của Nga được vận chuyển qua Biển Baltic và Mỹ có thể bắt đầu nhắm vào hạm đội ngầm của Nga.

Gần đây, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã đệ trình một dự luật lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ, đề xuất các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Nghị sĩ Graham đề xuất áp thuế quan thứ cấp đối với bất kỳ quốc gia nào mua dầu, khí đốt, uranium hoặc các hàng hóa khác của Nga.

Kể từ khi xung đột Ukraine leo thang hơn 3 năm trước, hàng nghìn lệnh trừng phạt đã được áp đặt đối với các cá nhân và tổ chức của Nga.

Tuy nhiên, Moscow cho biết động thái này sẽ không gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, thay vào đó sẽ làm tăng chi phí năng lượng và lạm phát ở châu Âu.