Chiến lược phát triển bền vững cho các chuỗi nhà hàng tại Việt Nam

Ngành dịch vụ ăn uống tại Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều thách thức trong việc triển khai các chiến lược phát triển bền vững. Do đó, nghiên cứu về chiến lược phát triển bền vững cho các chuỗi nhà hàng tại Việt Nam là điều cần thiết, mang ý nghĩa thực tiễn.

Nguyễn Thị Thu Trang

Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Hải Phòng

Tóm tắt

Với mục tiêu giải quyết nhu cầu cấp thiết về tính bền vững trong lĩnh vực chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, nghiên cứu này tập trung vào việc đánh giá thực trạng hoạt động, xác định những thách thức hiện có và nhận diện các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực hiện các thực tiễn bền vững trong ngành dịch vụ ăn uống. Mục tiêu tổng thể là đề xuất các chiến lược khả thi giúp doanh nghiệp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, qua đó góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững rộng lớn hơn.

Từ khóa: Phát triển bền vững, chuỗi nhà hàng, Việt Nam, trách nhiệm xã hội, quản lý môi trường

Summary

This study aims to address the urgent need for sustainability in the restaurant chain sector in Vietnam by focusing on evaluating current operations, identifying existing challenges, and recognizing key factors influencing the adoption of sustainable practices in the food service industry. The overarching objective is to propose feasible strategies that help businesses balance economic growth, social responsibility, and environmental protection, thereby contributing to broader sustainable development goals.

Keywords: Sustainable development, restaurant chains, Vietnam, social responsibility, environmental management

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế toàn cầu, ngành dịch vụ ăn uống tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là các chuỗi nhà hàng. Lĩnh vực này không chỉ đóng góp đáng kể vào GDP, mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, thương mại và du lịch (Nguyễn Huỳnh Mai Xuân, 2023). Sự mở rộng của các chuỗi nhà hàng mang lại nhiều tiện ích đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ và trải nghiệm ẩm thực. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành dịch vụ ăn uống tại Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều thách thức trong việc triển khai các chiến lược phát triển bền vững. Các vấn đề như: lãng phí thực phẩm, sử dụng năng lượng không hiệu quả, ô nhiễm từ hoạt động sản xuất và phân phối thực phẩm, cùng với sự thiếu hụt các chính sách đào tạo nhân lực chuyên sâu về tính bền vững, đã ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành của các chuỗi nhà hàng (Nguyễn Huỳnh Mai Xuân, 2023). Do đó, nghiên cứu về chiến lược phát triển bền vững cho các chuỗi nhà hàng tại Việt Nam vừa mang tính cấp thiết, vừa có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng phương pháp kết hợp giữa phương pháp định tính và định lượng nhằm đảm bảo phân tích toàn diện, trong đó, nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua khảo sát 250 nhà quản lý chuỗi dịch vụ ăn uống tại các trung tâm đô thị lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhằm khám phá thái độ, hành vi và nhận thức của các bên liên quan đối với thực tiễn bền vững. Các nội dung chính được nghiên cứu bao gồm: quản lý chất thải, nguồn cung ứng nguyên liệu địa phương và hữu cơ, hiệu quả năng lượng, cũng như các sáng kiến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Dữ liệu được thu thập bằng bảng câu hỏi có cấu trúc và phân tích bằng các kỹ thuật thống kê. Các câu hỏi trong khảo sát được thiết kế theo thang đo Likert 5 điểm, trong đó, 1 - không đồng ý hoàn toàn và 5 - đồng ý hoàn toàn.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Kết quả nghiên cứu

Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng trung bình hàng năm từ 10%-12%. Năm 2023, ngành thực phẩm của Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, đạt doanh thu 610 tỷ USD (Bộ Công Thương, 2023).

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng đặt ra những thách thức về môi trường và xã hội, đòi hỏi các doanh nghiệp F&B, bao gồm cả chuỗi nhà hàng, phải xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Một số chuỗi nhà hàng lớn tại Việt Nam đã bắt đầu áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải thực phẩm và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, mức độ và hiệu quả của những chiến lược này còn phụ thuộc vào quy mô và năng lực tài chính của từng doanh nghiệp (Nguyễn Huỳnh Mai Xuân, 2023).

Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về phát triển bền vững vẫn chưa đồng đều. Nhiều khách hàng chưa sẵn sàng trả thêm chi phí cho các dịch vụ bền vững, gây áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các chiến lược này. Một thách thức khác là thiếu khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ từ Nhà nước. Mặc dù có các chính sách khuyến khích phát triển bền vững, nhưng quá trình triển khai thực tế vẫn gặp nhiều trở ngại do rào cản hành chính và chi phí thực hiện.

Về nhận thức và cam kết của ban lãnh đạo đối với phát triển bền vững: Kết quả khảo sát từ 250 nhà quản lý nhà hàng cho thấy, đối với tiêu chí nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh, 66.67% số người được hỏi có phản hồi tích cực, với điểm trung bình là 3.94. Điều này cho thấy phần lớn các nhà quản lý đã có hiểu biết vững chắc về vấn đề này, dù vẫn có 11.67% ý kiến tiêu cực, cho thấy cần nâng cao nhận thức đối với một bộ phận nhỏ.

Về tiêu chí có tầm nhìn rõ ràng và cam kết phát triển bền vững trong chiến lược dài hạn, kết quả tương đối tích cực với 68.34% số người được hỏi đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý và điểm trung bình đạt 3.96. Điều này cho thấy, các nhà hàng đang dần định hướng chiến lược dài hạn theo hướng phát triển bền vững, dù vẫn có 21.67% phản hồi trung lập.

Tiêu chí đào tạo nhân sự quản lý về phát triển bền vững nổi bật nhất, với phản hồi tích cực đạt 80% và điểm trung bình 4.28, cao nhất trong các tiêu chí khảo sát, cho thấy sự đầu tư mạnh mẽ vào năng lực quản lý nhằm thúc đẩy các hoạt động bền vững.

Về tiêu chí ưu tiên đầu tư vào các giải pháp bền vững dù chi phí ban đầu cao, tỷ lệ phản hồi tích cực đạt 71.67%, phản ánh mức độ cam kết khá cao đối với phát triển bền vững. Điểm trung bình của tiêu chí này là 4.01, tuy nhiên 28.33% số người được hỏi vẫn giữ quan điểm trung lập hoặc tiêu cực, có thể do áp lực tài chính.

Tiêu chí tích hợp cam kết phát triển bền vững vào các chính sách và quy định nội bộ cho thấy nhiều hạn chế hơn, với chỉ 51.67% phản hồi tích cực và điểm trung bình thấp nhất (3.54). Tỷ lệ phản hồi trung lập cao (27.5%) cùng với phản hồi tiêu cực đáng kể (20.84%) cho thấy, việc lồng ghép phát triển bền vững vào chính sách nội bộ chưa được thực hiện đồng đều và cần cải thiện.

Về việc triển khai các biện pháp phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh: Kết quả khảo sát cho thấy, các biện pháp tiết kiệm năng lượng, như: sử dụng đèn LED và thiết bị tiết kiệm điện, nhận được phản hồi rất tích cực. Không có ý kiến tiêu cực (hoàn toàn không đồng ý hoặc không đồng ý) và 79.17% số người được hỏi đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý. Điểm trung bình đạt 4.21, cho thấy đây là một biện pháp có tính hiệu quả cao và được đánh giá tốt.

Về chính sách giảm thiểu và tái chế rác thải thực phẩm, 76.66% phản hồi tích cực, với điểm trung bình 3.83. Mặc dù kết quả khá khả quan, vẫn có 9.17% phản hồi tiêu cực, phản ánh những thách thức mà một số nhà hàng gặp phải trong việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu hoặc tái chế rác thải. Ngoài ra, 14.17% phản hồi trung lập cho thấy, một số nhà quản lý còn do dự hoặc thiếu thông tin để triển khai chính sách này.

Tiêu chí lựa chọn nguyên liệu thân thiện với môi trường có tỷ lệ phản hồi tích cực, chỉ đạt 59.16%, thấp hơn so với các tiêu chí khác, với điểm trung bình 3.45. Điều này cho thấy, nhiều nhà hàng chưa thực sự ưu tiên việc lựa chọn nguyên liệu bền vững hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cấp thân thiện với môi trường. Tỷ lệ phản hồi tiêu cực khá cao (22.5%) phản ánh những rào cản về nhận thức hoặc chi phí liên quan đến biện pháp này.

Việc đánh giá nhà cung cấp dựa trên tiêu chí phát triển bền vững có kết quả trung bình, với 55% phản hồi tích cực và điểm trung bình 3.53. Tỷ lệ phản hồi trung lập cao (29.17%) cho thấy, nhiều nhà quản lý chưa rõ hoặc chưa áp dụng các tiêu chí bền vững trong việc lựa chọn nhà cung cấp. Ngoài ra, 15.84% phản hồi tiêu cực cho thấy, cần có thêm sự hỗ trợ hoặc hướng dẫn để cải thiện việc thực hiện tiêu chí này.

Ứng dụng công nghệ để giảm lãng phí và tối ưu hóa quy trình vận hành là tiêu chí được đánh giá cao nhất, với điểm trung bình 4.42. Không có phản hồi tiêu cực và 85.83% số người được hỏi đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý, cho thấy công nghệ được nhìn nhận là công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Đây là một kết quả nổi bật, phản ánh sự công nhận vai trò của công nghệ trong hoạt động kinh doanh bền vững của các nhà hàng.

Nhìn chung, các biện pháp phát triển bền vững đang được triển khai ở mức độ khác nhau trong các nhà hàng. Trong khi các biện pháp tiết kiệm năng lượng và ứng dụng công nghệ đạt kết quả rất tích cực, thì các biện pháp liên quan đến tái chế rác thải, lựa chọn nguyên liệu thân thiện với môi trường và đánh giá nhà cung cấp vẫn gặp nhiều thách thức.

Về các thách thức và rào cản trong phát triển bền vững: Kết quả khảo sát chỉ ra chi phí cao được xác định là rào cản lớn nhất đối với việc triển khai các chiến lược phát triển bền vững. Khảo sát cho thấy, 83.33% số người được hỏi đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý với nhận định này, trong đó nhóm “hoàn toàn đồng ý” chiếm tỷ lệ lớn nhất (53.33%). Điểm trung bình 4.33, cao nhất trong tất cả các tiêu chí, nhấn mạnh sự thừa nhận rộng rãi về hạn chế tài chính như một thách thức chính. Việc không có phản hồi nào thuộc nhóm “hoàn toàn không đồng ý” càng làm rõ tác động phổ quát của chi phí như một yếu tố cản trở.

Khó khăn trong việc truyền tải giá trị phát triển bền vững đến khách hàng cũng là một vấn đề đáng chú ý, với 67.5% số người được hỏi đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, tỷ lệ phản hồi trung lập ở mức 22.5% cho thấy, một bộ phận đáng kể các nhà quản lý chưa có đánh giá rõ ràng về mức độ ảnh hưởng của yếu tố này. Điểm trung bình 3.91 phản ánh mối quan tâm đáng kể, nhưng cho thấy đây chưa phải là trở ngại nghiêm trọng nhất so với các tiêu chí khác. Việc giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả đòi hỏi đầu tư vào các chiến lược truyền thông mạnh mẽ hơn.

Tiêu chí về thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương hoặc tổ chức ngành nhận được 59.16% phản hồi tích cực, với điểm trung bình 3.46. Tỷ lệ phản hồi trung lập là 18.33%, cùng với 22.5% phản hồi tiêu cực (hoàn toàn không đồng ý và không đồng ý), cho thấy, mặc dù có một số sự hỗ trợ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà quản lý nhà hàng. Sự thiếu hụt này hạn chế khả năng triển khai đầy đủ các chiến lược phát triển bền vững.

Nhận thức không đồng đều giữa nhân viên được xem là một trở ngại lớn, với 55% phản hồi tích cực và điểm trung bình 3.54. Tỷ lệ phản hồi trung lập cao nhất trong tất cả các tiêu chí (29.17%) cho thấy, vấn đề này chưa được các nhà quản lý nhận thức hoặc đánh giá một cách đồng nhất. Ngoài ra, 15.83% phản hồi tiêu cực cho thấy một số nhà hàng có đội ngũ nhân viên với nhận thức tốt về phát triển bền vững, nhưng đây vẫn chưa phải là tiêu chuẩn chung.

Thảo luận

Ngành F&B của Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể trong phát triển bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực như: tối ưu hóa năng lượng và ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, các thách thức như: chi phí cao, nhận thức chưa đồng đều và sự hỗ trợ còn hạn chế từ các tổ chức vẫn tồn tại. Nghiên cứu hiện tại, khi so sánh với các nghiên cứu trước đây, có nhiều điểm tương đồng và mở rộng thêm các phát hiện liên quan đến phát triển bền vững trong ngành nhà hàng. Tương tự nghiên cứu của Nguyễn Huỳnh Mai Xuân (2023), nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý tài nguyên hiệu quả, giảm thiểu tác động môi trường và cải thiện điều kiện làm việc trong lĩnh vực nhà hàng. Tuy nhiên, nghiên cứu này đi sâu hơn vào các chỉ số định lượng, sử dụng dữ liệu khảo sát từ 250 nhà quản lý nhà hàng để cung cấp bằng chứng thực nghiệm về việc thực hiện các biện pháp phát triển bền vững cũng như những thách thức gặp phải. Điều này mang đến góc nhìn toàn diện hơn về cách các chiến lược được đề xuất trong nghiên cứu của Nguyễn Huỳnh Mai Xuân đang được thực hiện trên thực tế.

Nghiên cứu của Hà Nam Khánh Giao (2023) tập trung vào lòng trung thành của khách hàng thông qua chất lượng dịch vụ, giá cả hợp lý và các yếu tố môi trường trong bối cảnh hậu Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Trong khi nghiên cứu hiện tại chủ yếu đề cập đến các thách thức nội bộ trong hoạt động của nhà hàng, vẫn có sự giao thoa khi cả 2 nghiên cứu đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của các yếu tố môi trường trong việc nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng phản ánh nhận thức của khách hàng và mức độ sẵn sàng chi trả cho các thực hành bền vững, bổ sung cho những quan sát của Hà Nam Khánh Giao.

Tương tự nghiên cứu của Trương Thị Thu Hiền và Nguyễn Văn Duy (2020), nghiên cứu hiện tại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và quản lý an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nghiên cứu này tập trung sâu hơn vào việc thực hiện chính sách nội bộ và đào tạo quản lý. Một điểm khác biệt quan trọng là nghiên cứu này xác định những khoảng trống trong việc thực thi các thực hành bền vững tại nhà hàng, đồng thời nhấn mạnh sự thiếu hụt khung pháp lý và hỗ trợ tài chính, những khía cạnh chưa được đề cập trong nghiên cứu của Trương Thị Thu Hiền và Nguyễn Văn Duy.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Để xây dựng một chiến lược phát triển bền vững toàn diện và hiệu quả cho chuỗi dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam, cần có một cách tiếp cận đa chiều. Trước hết, việc tích hợp các thực hành thu mua bền vững là rất quan trọng bằng cách thiết lập quan hệ đối tác dài hạn với các nhà cung cấp và nông dân địa phương áp dụng các kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường và có đạo đức. Việc sử dụng nguyên liệu từ nguồn địa phương không chỉ giúp giảm lượng khí thải từ vận chuyển, mà còn hỗ trợ nền kinh tế địa phương, đảm bảo một chuỗi cung ứng bền vững và linh hoạt hơn. Thu mua bền vững cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với nhà cung cấp về việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và nước, kèm theo các cuộc kiểm tra định kỳ để đảm bảo tuân thủ.

Tăng cường quản lý và giảm thiểu chất thải là một trụ cột quan trọng khác. Các chuỗi dịch vụ ẩm thực tạo ra lượng lớn chất thải hữu cơ và vô cơ, do đó, cần triển khai một hệ thống quản lý chất thải toàn diện. Chất thải hữu cơ, như phế phẩm thực phẩm, có thể được ủ thành phân hữu cơ hoặc chuyển hóa thành năng lượng sinh học, giảm lượng rác thải ra bãi chôn lấp và tạo ra giá trị gia tăng từ chất thải. Đối với chất thải vô cơ, cần ưu tiên tái chế, đặc biệt đối với các vật liệu như: thủy tinh, kim loại và nhựa. Ngoài ra, các chuỗi dịch vụ có thể triển khai chương trình phân loại rác tại khu vực bếp và khu vực dùng bữa để khuyến khích khách hàng tham gia vào các hoạt động xử lý chất thải bền vững.

Thúc đẩy các giải pháp bao bì xanh là điều thiết yếu để giải quyết thách thức môi trường do rác thải nhựa gây ra. Các chuỗi dịch vụ ẩm thực có thể chuyển từ bao bì nhựa sử dụng một lần truyền thống sang các lựa chọn có thể phân hủy sinh học, có thể ủ phân hoặc tái sử dụng. Việc nghiên cứu và phát triển các vật liệu sáng tạo như nhựa sinh học từ thực vật, bao bì có thể ăn được và giải pháp từ giấy nên là một trọng tâm.

Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và nước trong toàn bộ hoạt động có thể giúp giảm đáng kể tác động môi trường của chuỗi dịch vụ ẩm thực. Đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm năng lượng, như: bếp từ, đèn LED và hệ thống làm lạnh tích hợp công nghệ tiết kiệm điện tiên tiến, có thể giúp giảm chi phí vận hành, đồng thời tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm nước có thể đạt được thông qua việc sử dụng vòi nước lưu lượng thấp, máy rửa chén có hiệu suất cao và hệ thống tái sử dụng nước xám.

Xây dựng văn hóa bền vững mạnh mẽ trong tổ chức là yếu tố then chốt để đảm bảo thành công lâu dài. Điều này đòi hỏi cung cấp các chương trình đào tạo thường xuyên cho nhân viên về các thực hành bền vững, từ giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và nước đến hạn chế chất thải và thúc đẩy các sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc thiết lập các chỉ số đánh giá hiệu suất dựa trên bền vững và công nhận những đóng góp xuất sắc của nhân viên có thể tạo động lực để họ tích cực tham gia vào các nỗ lực bền vững. Hợp tác với các tổ chức môi trường và tổ chức phi chính phủ (NGO) để tổ chức các buổi đào tạo và chương trình tiếp cận cộng đồng có thể củng cố thêm cam kết của doanh nghiệp đối với trách nhiệm xã hội và môi trường.

Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số cũng là một khía cạnh quan trọng của chiến lược phát triển bền vững. Các công nghệ số tiên tiến có thể nâng cao hiệu quả vận hành và giảm thiểu lãng phí. Các chuỗi dịch vụ ẩm thực có thể sử dụng phân tích dự đoán và trí tuệ nhân tạo để cải thiện dự báo nhu cầu, đảm bảo rằng chỉ những nguyên liệu cần thiết mới được nhập kho, từ đó giảm thiểu hư hỏng và sản xuất dư thừa. Ngoài ra, các nền tảng kỹ thuật số có thể được sử dụng để thúc đẩy tính bền vững bằng cách khuyến khích hành vi thân thiện với môi trường của khách hàng.

Tóm lại, một chiến lược phát triển bền vững cho các chuỗi dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam cần có một cách tiếp cận toàn diện, kết hợp thu mua bền vững, giảm thiểu chất thải, bao bì xanh, tối ưu hóa tài nguyên, gắn kết tổ chức và chuyển đổi kỹ thuật số. Bằng cách áp dụng các biện pháp toàn diện này, các chuỗi dịch vụ không chỉ có thể giảm tác động môi trường, mà còn tăng cường lợi thế cạnh tranh trong một thị trường ngày càng quan tâm đến tính bền vững. Chiến lược này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng hướng đến đạo đức và phát triển bền vững, giúp các chuỗi dịch vụ ẩm thực duy trì tăng trưởng và thành công lâu dài./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chernyshev, I. (2018). Measuring the Sustainability of Tourism Issues in M easuring the Employment Aspects of Sustainable Tourism, World Tourism Organization.

2. Chou, S.F., Homg, J.S., Liu, C.H., Huang, Y.C., and Chung, Y.C. (2016). Expert concepts of sustainable service innovation in restaurants in Taiwan, Sustainability, 8, 739, https://doi.org/10.3390/su8080739.

3. Hà Nam Khánh Giao (2023). Tác động của chất lượng dịch vụ, giá cả hợp lý và môi trường nhà hàng đến lòng trung thành của khách hàng trong ngành ẩm thực tại TP. Hồ Chí Minh sau đại dịch Covid-19, Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh: Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, 18(5), 5-19, DOI: 10.46223/HCMCOUJS.econ.vi.18.5.2269.2023.

4. Lang, M., and Lemmerer, A. (2019). How and why restaurant patrons value locally sourced foods and ingredients, International Journal of Hospitality Management, 77, 76-88, https://doi.org/10.1016/j.ijhm.2018.06.015.

5. Nguyễn Huỳnh Mai Xuân (2023). Phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng: Các yếu tố ảnh hưởng và giải pháp, Tạp chí Công Thương, số tháng 1/2023.

6. Trương Thị Thu Hiền, Nguyễn Văn Duy (2020). Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng: Nhìn từ công tác tuyên truyền, Tạp chí Khoa học và Công nghệ – Đại học Đà Nẵng, 18(2).

Ngày nhận bài: 08/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 14/5/2025; Ngày duyệt đăng: 16/5/2025