Châu Âu cân nhắc dùng tài sản đóng băng của Nga để mua vũ khí cho Ukraine?

() - Truyền thông phương Tây đưa tin, châu Âu dường như đang tính đến phương án sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ vũ khí cho Ukraine.
Châu Âu cân nhắc dùng tài sản đóng băng của Nga để mua vũ khí cho Ukraine? - 1

Ukraine trông chờ vào vũ khí phương Tây viện trợ để đối phó Nga (Ảnh: Reuters).

Telegraph dẫn nguồn thạo tin cho biết, châu Âu đang xem xét việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho gói viện trợ vũ khí trị giá 10 tỷ USD của Tổng thống Donald Trump dành cho Ukraine.

Theo kế hoạch này, lợi nhuận thu được từ gần 200 tỷ euro tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị Liên minh châu Âu (EU) phong tỏa có thể được dùng như một phần đóng góp của khối vào quỹ nói trên.

Động thái tiềm năng này là chủ đề của cuộc thảo luận chính thức đầu tiên giữa các chính phủ châu Âu sau khi ông Trump công bố thỏa thuận cung cấp vũ khí và hệ thống phòng không cho Ukraine thông qua NATO.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết với The Telegraph rằng các ngoại trưởng EU đã đặt câu hỏi về cách vận hành kế hoạch của ông Trump trong một cuộc họp tại Brussels hôm 15/7. Một nguồn tin cho biết các chi tiết cụ thể vẫn chưa được chia sẻ rộng rãi tới các thành viên.

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte cho biết thỏa thuận sẽ bao gồm việc NATO mua các hệ thống phòng không, tên lửa và đạn dược của Mỹ trước khi chuyển giao cho Kiev.

Ông cho biết ít nhất 8 quốc gia thành viên đã tham gia kế hoạch này khi công bố cùng Tổng thống Mỹ tại Phòng Bầu dục hôm 14/7.

Một quan chức NATO cho biết: “Nhiều bên đồng thuận rằng sứ mệnh hỗ trợ Ukraine của NATO sẽ giữ vai trò chính trong việc điều phối việc mua vũ khí Mỹ và chuyển giao cho Kiev".

Các bộ trưởng và quan chức cho rằng việc NATO giám sát kế hoạch này sẽ hợp lý hơn so với để một quốc gia thành viên phụ trách, vì lo ngại về tính minh bạch.

Tuy nhiên, cũng có một số e ngại rằng nếu để NATO trực tiếp mua vũ khí cho Ukraine thì điều đó có thể bị Moscow xem là hành động khiêu khích.

Theo kế hoạch khả thi nhất hiện nay, một quỹ trung tâm do NATO kiểm soát sẽ được các đồng minh châu Âu và Canada đóng góp.

Số tiền đó sẽ được dùng để mua vũ khí và đạn dược theo “danh sách mua sắm” mà chính phủ Ukraine đề xuất.

Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski được cho đã đề xuất với các đồng nghiệp EU rằng phần đóng góp của khối có thể đến từ lợi nhuận của các tài sản Nga bị phong tỏa.

“Liệu gánh nặng này nên do người đóng thuế của chúng ta gánh chịu, hay do người Nga?”, ông nói trong cuộc họp, theo một nguồn tin am hiểu cuộc thảo luận.

Các nguồn tin châu Âu ghi nhận rằng Tổng thống Trump đã có sự thay đổi đáng kể trong lập trường về Ukraine, sau khi trước đây từng bị xem là mềm mỏng với Moscow.

Việc đóng góp vào kế hoạch của Mỹ cũng sẽ được tính như một phần đóng góp trực tiếp vào mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO.

Theo các quan chức NATO, chi tiết của thỏa thuận viện trợ quân sự vẫn đang được hoàn thiện, dù các hệ thống phòng không Patriot đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao cho Ukraine trong vài ngày tới.

Các nguồn tin cho biết một số vấn đề cụ thể vẫn cần được thống nhất, chẳng hạn như loại tên lửa tầm xa nào có thể được cung cấp cho Kiev.

Phần lớn những quyết định này sẽ do Nhà Trắng đưa ra trong những ngày tới khi kế hoạch dần định hình.