Áp lực ESG trong ngành dệt may: Thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam

Nghiên cứu này tập trung vào các áp lực ESG (môi trường, xã hội, quản trị) đối với ngành dệt may trong bối cảnh các quy định này tại các thị trường nhập khẩu chủ chốt.

TS. Phạm Thị Huyền Trang

Trường Đại học Ngoại thương

Email: trang.pham@ftu.edu.vn

Tóm tắt

Nghiên cứu này tập trung vào các áp lực ESG (môi trường, xã hội, quản trị) đối với ngành dệt may trong bối cảnh các quy định này tại các thị trường nhập khẩu chủ chốt. Nghiên cứu chỉ ra áp lực ESG đến từ nhiều hướng: từ chuỗi cung ứng toàn cầu, người tiêu dùng, nhà đầu tư và cả từ quy định của các chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu tập trung vào thực trạng thích ứng với các tiêu chuẩn ESG của doanh nghiệp dệt may Việt, cũng như các khó khăn, thách thức họ phải đối mặt. Từ đó, nghiên cứu đưa ra các nhóm giải pháp, khuyến nghị nhằm hướng tới sự phát triển xanh, minh bạch và bền vững cho ngành dệt may Việt Nam.

Từ khóa: ESG, dệt may, Việt Nam, chuỗi cung ứng, doanh nghiệp

Summary

This study focuses on ESG (Environmental, Social, and Governance) pressures on the textile and garment industry in the context of ESG-related regulations in key import markets. The study identifies ESG pressures from multiple sources: global supply chains, consumers, investors, and government regulations. It also examines the current state of adaptation to ESG standards by Vietnamese textile and garment enterprises, along with the difficulties and challenges they face. Based on these findings, the study proposes groups of solutions and recommendations to promote green, transparent, and sustainable development for Vietnam's textile and garment industry.

Keywords: ESG, textile and garment, Vietnam, supply chain, enterprise

TỔNG QUAN LÝ THUYẾT VỀ ESG VÀ TẦM QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI NGÀNH DÊT MAY

Khái niệm ESG

ESG (Environmental, Social, Governance) là thuật ngữ viết tắt cho Môi trường, Xã hội và Quản trị, đại diện cho ba nhóm tiêu chí cốt lõi đánh giá tính bền vững và trách nhiệm của hoạt động doanh nghiệp. Thuật ngữ ESG lần đầu được giới thiệu trong báo cáo "Who Cares Wins" của Liên hợp quốc năm 2004, nhấn mạnh rằng các yếu tố phi tài chính như môi trường, xã hội và quản trị có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả đầu tư và rủi ro kinh doanh (UN Global Compact, 2004). Quan điểm của OECD về phát triển bền vững doanh nghiệp cũng nhấn mạnh việc tích hợp các cân nhắc về môi trường và xã hội vào chiến lược kinh doanh, đồng thời đảm bảo quản trị tốt – qua đó giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn các rủi ro và cơ hội dài hạn của công ty (OECD, 2020). Tóm lại, ESG cung cấp một cách tiếp cận toàn diện để đánh giá hoạt động doanh nghiệp dựa trên các giá trị bền vững và đạo đức, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế gắn liền với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.

Mối quan hệ của ESG với hiệu quả doanh nghiệp

Các lý thuyết quản trị hiện đại cung cấp nền tảng giải thích mối liên hệ giữa thực hiện tốt ESG và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Lý thuyết các bên liên quan (stakeholder theory) của Freeman (2010) cho rằng doanh nghiệp tồn tại không chỉ vì lợi ích của cổ đông mà còn vì lợi ích của tất cả các bên liên quan. Việc thể hiện năng lực ESG tích cực giúp doanh nghiệp giành được sự ủng hộ của các bên liên quan nội bộ lẫn bên ngoài, qua đó nâng cao hình ảnh thương hiệu và hiệu quả vận hành, cuối cùng góp phần cải thiện thành tích tài chính (Wang, 2024). Mặt khác, lý thuyết thể chế (institutional theory) nhấn mạnh hành vi của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi các áp lực thể chế từ môi trường bên ngoài, bao gồm luật pháp, chuẩn mực xã hội và kỳ vọng văn hóa – trong đó ESG là công cụ thể hiện năng lực thích ứng của doanh nghiệp với bối cảnh thể chế và chính sách ngày càng nghiêm ngặt liên quan đến phát triển bền vững (Campbell, 2007). Các công ty chấp nhận thực hành ESG không chỉ vì động cơ kinh tế, mà còn để tuân thủ với các chuẩn mực, giá trị và mong đợi của xã hội nhằm duy trì tính chính danh cho tổ chức, qua đó đạt được sự chấp thuận của xã hội và giảm rủi ro bị tẩy chay. Thực tế, một tổng quan hơn 2000 nghiên cứu có khoảng 90% kết quả cho thấy mối tương quan không tiêu cực giữa ESG và hiệu quả tài chính, trong đó đa số là tương quan tích cực (Friede, 2015). Do đó chiến lược ESG tốt có thể tạo lợi thế cạnh tranh và giá trị bền vững cho doanh nghiệp, phù hợp với dự báo của các lý thuyết quản trị kể trên.

Áp lực ESG trong ngành dệt may: Thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam

Ngành dệt may Việt Nam đang chịu sức ép mạnh mẽ từ loạt quy định và tiêu chuẩn ESG được ban hành ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt.

Tầm quan trọng của ESG trong ngành dệt may

ESG có ý nghĩa sống còn đối với ngành dệt may trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, ngành dệt may chịu nhiều sức ép về việc áp dụng ESG vì đặc thù ngành gây tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Về môi trường, dệt may đóng góp đáng kể vào ô nhiễm và biến đổi khí hậu – ước tính ngành này thải ra khoảng 2-4% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu, sử dụng nhiều nước và hoá chất, đồng thời tạo ra lượng lớn chất thải. Về xã hội, các vấn đề như điều kiện làm việc nguy hiểm, lương thấp và lao động trẻ em tại các nhà máy may mặc (đặc biệt ở các nước đang phát triển) đã dấy lên lo ngại và phản ứng mạnh mẽ từ dư luận quốc tế. Những sự kiện như thảm họa sập nhà máy Rana Plaza (Bangladesh, 2013) là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm xã hội trong ngành công nghiệp thời trang. Thứ hai, áp lực thực hiện ESG đến với ngành dệt may từ nhiều hướng: từ chuỗi cung ứng toàn cầu, người tiêu dùng, nhà đầu tư và cả từ quy định của các chính phủ. Những sức ép này buộc ngành dệt may phải cải thiện hiệu quả ESG để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của thị trường và xã hội. Thứ ba, việc tích hợp ESG hiệu quả cũng mang lại nhiều tác động tích cực đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG giúp nâng cao mức độ minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng, qua đó củng cố niềm tin của đối tác và khách hàng. Tuân thủ ESG còn đồng nghĩa với quản lý rủi ro tốt hơn (ngăn ngừa gián đoạn sản xuất, hạn chế sự cố) và cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên (tiết kiệm năng lượng, nước, giảm lãng phí), qua đó cắt giảm chi phí vận hành. Bên cạnh đó, cam kết mạnh mẽ về ESG tạo lợi thế về uy tín thương hiệu, giúp doanh nghiệp khác biệt trên thị trường và thu hút nhóm khách hàng đề cao trách nhiệm xã hội. Nhiều nhà bán lẻ lớn cũng ưu tiên ký hợp đồng với các nhà cung cấp có chứng chỉ hoặc xếp hạng ESG cao, nhờ vậy doanh nghiệp áp dụng ESG dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu hàng đầu. Một hồ sơ ESG tốt còn giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn “xanh” với chi phí thấp hơn, thông qua các khoản vay ưu đãi từ ngân hàng xanh hoặc vốn đầu tư từ các quỹ phát triển bền vững. Ngược lại, nếu phớt lờ ESG, doanh nghiệp có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng quốc tế và đánh mất lợi thế cạnh tranh. Như vậy, ESG là yếu tố cốt lõi quyết định sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của ngành dệt may trong bối cảnh hiện nay.

ÁP LỰC ESG ĐỐI VỚI NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM

Áp lực từ thị trường quốc tế và các tiêu chuẩn ESG mới

Ngành dệt may Việt Nam đang chịu sức ép mạnh mẽ từ loạt quy định và tiêu chuẩn ESG được ban hành ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ.

Tại EU, nhiều chính sách bền vững chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc, bao gồm Chiến lược Dệt may tuần hoàn, Hộ chiếu sản phẩm số, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và đặc biệt là Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (CSRD) và Chỉ thị Thẩm định doanh nghiệp bền vững (CSDDD). Theo CSRD, các công ty lớn (kể cả ngoài EU) phải báo cáo các thông tin ESG theo khung chuẩn, buộc doanh nghiệp dệt may cung ứng cho thị trường EU phải cung cấp dữ liệu minh bạch hơn về hoạt động của mình, bao gồm cả các thông tin phi tài chính như khí thải carbon, tác động môi trường, quyền lợi người lao động và tính minh bạch trong quản trị. Hơn nữa, CSDDD còn yêu cầu các công ty lớn phải thực hiện nghĩa vụ thẩm tra trách nhiệm xuyên suốt hoạt động kinh doanh, kể cả đối với nhà cung ứng ở nước thứ ba như Việt Nam. Dù phạm vi và cơ chế điều chỉnh có sự khác biệt, cả hai quy định đều tập trung vào chuỗi cung ứng. Không chỉ yêu cầu minh bạch thông tin, các quy định còn đòi hỏi hành động cụ thể để ngăn ngừa và khắc phục các rủi ro môi trường – xã hội ngay từ các bước đầu trong chuỗi cung ứng. Những quy định này báo hiệu rằng doanh nghiệp dệt may muốn xuất khẩu sang EU sẽ phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn về nguyên liệu tái chế, hóa chất an toàn, giảm phát thải carbon và đảm bảo quyền lợi người lao động ngay từ khâu đầu của chuỗi cung ứng.

Tại Hoa Kỳ, chính phủ và các bang cũng đề ra các yêu cầu ESG khắt khe. Đáng chú ý là Đạo luật Phòng chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) năm 2021, nhằm chặn nhập khẩu sản phẩm liên quan tới lao động cưỡng bức từ Tân Cương (Trung Quốc). Điều này ảnh hưởng lớn đến dệt may Việt Nam, do đặc điểm ngành may nước ta phụ thuộc lớn vào đầu vào nhập khẩu, trong đó Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên phụ liệu may mặc lớn nhất (Goto, 2022). Thống kê cho thấy tính đến tháng 4/2023, khoảng 80% trong số 15 triệu USD lô hàng may mặc vào Mỹ bị giữ để kiểm tra theo UFLPA xuất xứ từ Việt Nam, và chỉ 13% trong số đó được thông quan (Giang Nguyen & Thinh Hoang, 2023). Như vậy, các nhà xuất khẩu phải chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu không liên quan lao động cưỡng bức, thông qua truy xuất minh bạch chuỗi cung ứng bông sợi. Bên cạnh UFLPA, Mỹ còn đề xuất Đạo luật Minh bạch và Trách nhiệm trong thời trang yêu cầu các công ty thời trang lớn công bố bản đồ chuỗi cung ứng và mục tiêu ESG, cũng như tuân thủ luật bảo vệ người lao động may mặc về tiền lương tối thiểu và giờ làm (Hải Linh, 2024). Những động thái này từ Mỹ buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn lao động và minh bạch thông tin để duy trì thị phần tại thị trường Hoa Kỳ.

Ngoài ra, các nhãn hàng thời trang quốc tế cũng gia tăng áp lực ESG lên nhà cung cấp Việt Nam. Nhiều tập đoàn bán lẻ lớn đã tham gia các liên minh bền vững và áp dụng bộ công cụ đánh giá như Higg Index- bộ chỉ số tự đánh giá toàn diện về hiệu quả môi trường và xã hội tại nhà máy may. Bên cạnh đó, nhiều tiêu chuẩn quốc tế khác như OEKO-TEX (dệt may an toàn), chứng chỉ LEED cho nhà máy xanh, hay chương trình Zero Discharge of Hazardous Chemicals (ZDHC) cũng đang được áp dụng trong ngành. Nhà cung ứng đáp ứng được các tiêu chí xanh này sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút nhiều đơn hàng hơn, trong khi doanh nghiệp phớt lờ có nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng của thương hiệu lớn (Nguyên Linh, 2024).

Áp lực từ người tiêu dùng và nhà đầu tư

Không chỉ luật pháp và nhãn hàng, người tiêu dùng toàn cầu ngày càng quan tâm đến tính bền vững của sản phẩm may mặc. Khảo sát của McKinsey cho thấy 67% khách hàng chú ý đến khía cạnh môi trường và xã hội của thương hiệu thời trang (Ngọc Hân, 2024). Người mua tại các thị trường phát triển đòi hỏi sản phẩm phải minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu, không gây hại môi trường hay vi phạm đạo đức lao động. Xu hướng này tạo sức ép buộc các hãng thời trang và chuỗi cung ứng của họ (bao gồm doanh nghiệp Việt Nam) cam kết cải thiện độ bền vững trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, nên việc đáp ứng yêu cầu “xanh” không chỉ để thỏa mãn thị trường mà còn có thể nâng cao giá trị thương hiệu và thị phần cho doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư và định chế tài chính cũng xem ESG là thước đo quan trọng khi ra quyết định đầu tư. Các quỹ đầu tư và ngân hàng quốc tế có xu hướng rút vốn hoặc cho vay đắt hơn đối với doanh nghiệp không tuân thủ tiêu chuẩn môi trường-xã hội. Nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp công bố báo cáo phi tài chính bên cạnh báo cáo tài chính truyền thống. Trong khi đó, doanh nghiệp dệt may có chiến lược ESG rõ ràng sẽ dễ thu hút vốn, kể cả từ các quỹ đầu tư phát triển bền vững. Hiện nay, nhiều cổ phiếu ngành dệt may Việt Nam (như TCM của Thành Công, STK của Sợi Thế Kỷ) được đánh giá cao nhờ minh bạch thông tin phát triển bền vững.

Áp lực từ Chính phủ và định hướng trong nước

Trước những đòi hỏi từ bên ngoài, Chính phủ Việt Nam cũng tăng cường định hướng phát triển bền vững cho ngành dệt may. Chiến lược phát triển ngành Dệt May đến năm 2030 (Quyết định 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022) nhấn mạnh chuyển dịch từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng xanh, tuần hoàn, giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu và nâng cao giá trị nội địa (Nguyên Linh, 2024). Hướng tới mục tiêu Net Zero 2050 mà Việt Nam cam kết, Chính phủ xác định “xanh hóa” là yếu tố then chốt để dệt may duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cũng nhiều lần kêu gọi doanh nghiệp nhận thức rõ sự cần thiết của chuyển đổi xanh. Việc chủ động tuân thủ tiêu chuẩn ESG ngay từ bây giờ sẽ giúp doanh nghiệp đón đầu chính sách, tránh rủi ro rào cản thương mại sau này, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn (Ngọc Hân, 2024).

THỰC TRẠNG THÍCH ỨNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Các sáng kiến và chiến lược ESG đã được triển khai

Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam đã chủ động triển khai ESG nhằm thích ứng với các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Tiêu biểu gồm Vinatex, Thành Công (TCM), Sợi Thế Kỷ (STK) và May Sông Hồng (MSH), với các sáng kiến liên quan đến tiết giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện điều kiện lao động và công bố minh bạch thông tin. Vinatex tập trung xây dựng chiến lược sản xuất xanh và tuần hoàn, triển khai đo lường dấu chân carbon trong vòng đời sản phẩm. Tính đến 2024, lượng điện tiêu thụ bình quân giảm 2%/sản phẩm, chất thải nguy hại giảm 84% so với 2022, tổng sản lượng điện mặt trời đạt trên 17 triệu kWh. Về xã hội, Vinatex duy trì việc làm cho 62.000 lao động với thu nhập ổn định, cải thiện phúc lợi, nhà trẻ và ăn ca. Về quản trị, hệ thống vận hành được hiện đại hóa và số hóa toàn diện, đảm bảo minh bạch chuỗi cung ứng và tuân thủ ESG theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn (Vũ Khuê, 2024). Thành Công (TCM) thay thế phần lớn máy móc cũ bằng máy dệt tiết kiệm năng lượng (air-jet), giảm 40% điện năng tiêu thụ. TCM sử dụng sợi polyester tái chế, tương đương khoảng 6 triệu chai nhựa/năm, giúp giảm 25% phát thải khí nhà kính so với năm 2020. TCM đạt chứng nhận Global Recycled Standard (GRS) và là đối tác cung ứng cho nhiều thương hiệu quốc tế. Sợi Thế Kỷ (STK) nổi bật với chiến lược tái chế bền vững: từ 2016 đến 2024, đã tái chế 4,83 tỷ chai nhựa thành sợi polyester. Việc dùng nhựa tái chế giúp giảm gần 79% dấu chân carbon. STK đầu tư điện mặt trời áp mái (7,4 MWp) và mua điện tái tạo, hướng đến 60–70% doanh thu từ sợi tái chế đến năm 2027. Về quản trị, STK hợp tác với WWF – ENERTEAM xây dựng lộ trình Net Zero. May Sông Hồng (MSH) triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái tại hơn 20 nhà xưởng, giúp giảm 2.000 tấn CO₂ mỗi năm. Đồng thời, MSH đầu tư hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, thay lò hơi đốt than bằng điện sinh khối, và tăng cường sử dụng nguyên liệu tái chế. Các cải tiến ESG không chỉ giúp giảm chi phí mà còn duy trì được đơn hàng ổn định từ các thương hiệu lớn (Nguyên Linh, 2024).

Các khó khăn và thách thức trong việc thực hiện ESG

Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, phần lớn doanh nghiệp Việt – đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ – vẫn gặp nhiều trở ngại khi triển khai ESG. Các thách thức đến từ cả hạn chế nội tại lẫn môi trường chính sách chưa hoàn chỉnh, bao gồm: thiếu nguồn lực tài chính, hạn chế về năng lực thực thi, khó khăn trong truy xuất dữ liệu và sự thiếu vắng định hướng hỗ trợ từ Nhà nước. Thiếu nguồn lực tài chính là rào cản lớn nhất. Chi phí đầu tư cho công nghệ xanh, xử lý nước thải hoặc hạ tầng bền vững vượt xa khả năng của nhiều doanh nghiệp. Trong khi đó, việc tiếp cận tín dụng xanh còn hạn chế do thiếu cơ chế rõ ràng. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ không đủ nguồn lực để theo đuổi toàn diện chiến lược ESG, dẫn tới tâm lý dè dặt trong đầu tư. Hạn chế về năng lực và nhận thức ESG cũng là vấn đề nổi bật. Theo khảo sát năm 2024, 39% doanh nghiệp chưa từng nghe về ESG, và 62% không nắm rõ quy định liên quan (Bảo Bình, 2024). Nhiều doanh nghiệp thiếu nhân sự chuyên trách, chưa được đào tạo bài bản và còn lúng túng khi tiếp cận các chuẩn mực ESG. Ngoài ra, cam kết ở cấp lãnh đạo cũng chưa đủ mạnh, khiến ESG bị xem là nhiệm vụ phụ. Rào cản dữ liệu và minh bạch chuỗi cung ứng là một thách thức kỹ thuật lớn. Doanh nghiệp gặp khó trong thu thập, chuẩn hóa và báo cáo dữ liệu ESG do hệ thống quản lý lạc hậu, thiếu công cụ số và chưa có quy trình giám sát toàn diện. Trong ngành dệt may, truy xuất nguồn gốc sợi, bông, hóa chất còn khó khăn do chuỗi cung ứng phân tán và nhà cung cấp quy mô nhỏ, dẫn tới thiếu minh bạch và khó chứng minh hiệu quả ESG. Thiếu khung chính sách hỗ trợ là yếu tố làm chậm tiến độ thực thi ESG. Việt Nam hiện chưa có quy định bắt buộc, hướng dẫn thống nhất về công bố ESG, trừ một số điều kiện cho doanh nghiệp niêm yết. Các chương trình như ưu đãi thuế hay quỹ đổi mới xanh vẫn còn hạn chế. Do đó, nhiều doanh nghiệp không có định hướng rõ ràng và thiếu động lực triển khai nếu không có chế tài hoặc hỗ trợ tương xứng. Ngoài ra, các thị trường đích như EU, Mỹ liên tục cập nhật tiêu chuẩn ESG, gây khó cho doanh nghiệp trong xác định thời điểm đầu tư phù hợp. Nếu triển khai sớm, doanh nghiệp có thể khó bán hàng vì giá cao; nếu chậm, sẽ bị loại khỏi thị trường. Việc phối hợp còn rời rạc giữa các bộ ngành khiến thông tin và nguồn lực chưa đến được đúng đối tượng. Để vượt qua các rào cản này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và Nhà nước nhằm tạo lập một môi trường thuận lợi hơn cho thực hành ESG.

ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ

Nhằm thúc đẩy quá trình thích ứng ESG hiệu quả trong ngành dệt may, các giải pháp cần được triển khai đồng bộ theo ba cấp độ: doanh nghiệp, Nhà nước và hiệp hội ngành, tương ứng với từng nhóm rào cản đã phân tích.

Ở cấp độ doanh nghiệp, cần ưu tiên lồng ghép ESG vào chiến lược phát triển và hoạt động vận hành. Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng lộ trình cải thiện tiêu chí môi trường – xã hội – quản trị, đồng thời đầu tư có trọng tâm vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, xử lý nước thải và truy xuất chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, việc phát triển năng lực nội tại thông qua đào tạo nhân sự chuyên trách ESG, sử dụng công cụ số, và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế (như GRI, Higg Index, ISO 14001...) là cần thiết để nâng cao khả năng tuân thủ và tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn.

Ở cấp độ Nhà nước, cần hoàn thiện khung pháp lý về ESG theo hướng đồng bộ, rõ ràng và phù hợp với thực tiễn. Trước mắt, có thể ban hành hướng dẫn tự nguyện hoặc quy định thí điểm về báo cáo ESG cho một số ngành có mức phát thải cao hoặc xuất khẩu lớn. Đồng thời, thiết lập các cơ chế khuyến khích như ưu đãi thuế, tín dụng xanh, hoặc quỹ hỗ trợ đầu tư công nghệ sạch nhằm giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cần đẩy mạnh đào tạo, truyền thông về ESG, đồng thời xây dựng cổng thông tin tập trung để cung cấp văn bản hướng dẫn, tài liệu tiêu chuẩn và kết nối cơ hội tài chính cho khu vực doanh nghiệp.

Ở cấp độ ngành, các hiệp hội như VITAS cần đóng vai trò cầu nối thúc đẩy thực hành ESG thông qua việc phổ biến thông tin, tổ chức đào tạo và cung cấp tư vấn kỹ thuật cho hội viên. Việc phát triển các bộ chỉ số ESG theo đặc thù ngành, xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc, và thiết lập diễn đàn đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ góp phần giảm chi phí tuân thủ và tăng cường hiệu quả thực thi. Hiệp hội cũng cần tham gia phản biện chính sách, kiến nghị về lộ trình và điều chỉnh phù hợp với khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh quốc tế thay đổi nhanh chóng.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bảo Bình. (2024). 62% doanh nghiệp chưa nắm rõ các chính sách về ESG và kinh doanh bền vững. VnEconomy: https://vneconomy.vn/techconnect/62-doanh-nghiep-chua-nam-ro-cac-chinh-sach-ve-esg-va-kinh-doanh-ben-vung.htm.

2. Campbell, J. (2007). Why would corporations behave in socially responsible ways? An institutional theory of corporate social responsibility. Academy of management Review, 32(3), 946-967.

3. Friede, G. B. (2015). ESG and financial performance: aggregated evidence from more than 2000 empirical studies. Journal of sustainable finance & investment, 5(4), pp.210-233.

4. Freeman, R. (2010). Strategic Management: A Stakeholder Approach. Cambridge University Press.

5. Goto, K. (2022). Vietnam's Textile and Garment Industry in the Global Value Chain. Vietnam 2045: Development Issues and Challenges, trang 337.

6. Giang Nguyen, & Thinh Hoang. (2023). Impact of US labor laws on Vietnam’s textile industry. Hinrich foundation: https://www.hinrichfoundation.com/research/wp/sustainable/impact-of-us-anti-forced-labor-laws-on-vietnam-textile-industry/.

7. Hải Linh. (2024). Doanh nghiệp dệt may “tiến thoái lưỡng nan” trong thực hiện ESG. Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-det-may-tien-thoai-luong-nan-trong-thuc-hien-esg-326448.html

8. Nguyên Linh. (2024). Doanh nghiệp dệt may với cuộc đua “xanh hoá". Được truy lục từ Báo Đầu tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-det-may-voi-cuoc-dua-xanh-hoa-d228546.html.

9. Ngọc Hân. (2024). Chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững là yếu tố then chốt để ngành dệt may duy trì vị thế cạnh tranh. Bộ Công Thương moit.gov.vn: https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/chuyen-doi-xanh-san-xuat-ben-vung-la-yeu-to-then-chot-de-nganh-det-may-duy-tri-vi-the-canh-tranh.html.

10. Ngọc Lan. (2024). Doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó trong triển khai các chiến lược ESG. VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-viet-nam-van-gap-kho-trong-trien-khai-cac-chien-luoc-esg.htm.

11. OECD. (2020). OECD Guidelines for Multinational Enterprises. Organisation for Economic Co-operation and Development.

12. Vũ Khuê. (2024). Chủ tịch Vinatex: Cần thể chế hóa các tiêu chuẩn ESG, kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may. VnEconomy: https://vneconomy.vn/chu-tich-vinatex-can-the-che-hoa-cac-tieu-chuan-esg-kinh-te-tuan-hoan-trong-nganh-det-may.htm.

13. UN Global Compact. (2004). Who Cares Wins - Connecting Financial Markets to a Changing World. Washington, D.C.: World Bank Group.

14. Wang, C. (2024). The Relationship between ESG Performance and Corporate Performance-Based on Stakeholder Theory. In SHS Web of Conferences (Vol. 190, p. 03022). EDP Sciences.

15. WBCSD. (2021). ESG Disclosure Handbook. World Business Council for Sustainable Development.

Ngày nhận bài 10/5/2025; ngày thoàn thiện biên tập: 18/5/2025; Ngày duyệt đăng: 19//5/2025.