TS. Nguyễn Thị Hồng Duyên1*, Nguyễn Hồng Minh2, Trần Thị Minh Nguyệt2,
Quách Thị Minh Hạnh2, Mai Thị Kim Oanh2, Nguyễn Khánh Ly2
1Trường Kinh tế, Đại học Công nghiệp Hà Nội
2Sinh viên chuyên ngành Kế toán, Đại học Công nghiệp Hà Nội
*Tác giả liên hệ; Email: nguyenthihongduyen@haui.edu.vn
Tóm tắt
Nghiên cứu này phân tích mối quan hệ giữa hạn chế tài chính và việc trình bày lại báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết. Khi đối mặt với áp lực tài chính, đặc biệt là chi phí nợ cao và đòn bẩy tài chính lớn, doanh nghiệp có xu hướng điều chỉnh báo cáo tài chính nhằm cải thiện hình ảnh tài chính và duy trì khả năng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, điều này có thể làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư, gia tăng chi phí vốn và ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị doanh nghiệp. Nghiên cứu góp phần mở rộng hiểu biết về tác động của hạn chế tài chính đến chất lượng báo cáo tài chính và gợi ý hướng nghiên cứu về quản trị rủi ro tài chính trong doanh nghiệp niêm yết.
Từ khóa: Chi phí nợ, đòn bẩy tài chính, hạn chế tài chính, trình bày lại báo cáo tài chính
Summary
This study analyzes the relationship between financial constraints and the restatement of financial statements among listed firms. When facing financial pressure, particularly high debt costs and elevated financial leverage, firms tend to adjust their financial reports to improve their financial image and maintain access to capital. However, such actions may undermine investor confidence, increase the cost of capital, and negatively affect firm value. The study contributes to a deeper understanding of how financial constraints influence the quality of financial reporting and suggests further research directions in financial risk management for publicly listed companies.
Keywords: Debt cost, financial leverage, financial constraints, financial statement restatement
GIỚI THIỆU
Theo Ủy ban chuẩn mực Kế toán Tài chính (FASB), báo cáo tài chính (BCTC) là một công cụ quan trọng cung cấp thông tin tài chính của doanh nghiệp (DN). Bằng việc phân tích các BCTC, các bên liên quan có thể đánh giá khả năng sinh lời, khả năng tăng trưởng cũng như rủi ro tiềm ẩn của DN. Theo Martínez-Sola và cộng sự (2024), BCTC hỗ trợ các nhà quản lý, nhà đầu tư, chủ nợ và các bên liên quan khác đánh giá tình hình tài chính và tiềm năng tăng trưởng của công ty, từ đó đưa ra quyết định kinh doanh một cách hiệu quả. Do đó, độ tin cậy của các BCTC sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của những người sử dụng chúng.
Việc trình bày lại BCTC ngày càng phổ biến hơn từ cuối thập niên 1990, đặc biệt là sau những vụ bê bối tài chính lớn đầu những năm 2000 như Enron và WorldCom. Theo FASB, trình bày lại BCTC (financial restatement) là việc DN phát hành lại BCTC đã được sửa đổi do phát hiện lỗi kế toán trọng yếu trong báo cáo trước đó, bao gồm gian lận, sai sót hoặc áp dụng sai nguyên tắc kế toán. Trên thực tế, sự gia tăng của trình bày lại BCTC đã làm dấy lên những lo ngại lớn về chất lượng thông tin tài chính của DN. Dechow và Dichev (2002) nhấn mạnh rằng, những sai sót trong BCTC vừa làm ảnh hưởng đến giá trị DN, vừa làm giảm khả năng tiếp cận vốn, gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh trong tương lai. Richardson và cộng sự (2002) ghi nhận rằng, trình bày lại BCTC thường gắn liền với phản ứng tiêu cực từ thị trường, dẫn đến lợi nhuận âm và ảnh hưởng xấu đến uy tín của DN.
Mặc dù có nhiều nghiên cứu về tác động của trình bày lại BCTC đối với giá trị DN, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc xem xét mối quan hệ giữa trình bày lại BCTC và các yếu tố tài chính như: chi phí nợ hoặc mức đòn bẩy tài chính. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này góp phần làm sáng tỏ hơn các tác động tài chính của việc trình bày lại BCTC trong bối cảnh thị trường hiện nay.
CƠ SỞ LÝ LUẬN
Các khái niệm liên quan
Báo cáo tài chính
BCTC là một khái niệm rất quen thuộc đối với những người làm việc trong ngành kinh tế. Theo Phạm (2008), BCTC là sản phẩm hoàn thành của quy trình công nghệ về thu thập, phản ánh, xử lý, tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin. BCTC cần tổng hợp các nghiệp vụ kinh tế - tài chính đã phát sinh để có thể phản ánh được đầy đủ thông tin về tình hình tài chính và tình hình kinh doanh. Theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS 1), BCTC là tập hợp thông tin tài chính được trình bày có hệ thống nhằm cung cấp dữ liệu về tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và các luồng tiền của DN, giúp người sử dụng thông tin tài chính đưa ra quyết định kinh tế phù hợp. Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 21, BCTC là hệ thống thông tin chặt chẽ về về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của DN, đáp ứng nhu cầu của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.
BCTC qua các chuẩn mực và quy định trong nước hay quốc tế đều là một công cụ quan trọng trong việc cung cấp thông tin tài chính, hỗ trợ người sử dụng đưa ra quyết định kinh tế một cách hiệu quả. Việc nắm vững kiến thức về BCTC cũng góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của DN.
Hạn chế tài chính
Trong quá trình hoạt động, không phải lúc nào DN cũng có đủ nguồn vốn cần thiết để thực hiện các hoạt động kinh doanh quan trọng, đặc biệt khi chi phí sử dụng vốn nội bộ và bên ngoài có sự chênh lệch đáng kể, dẫn đến tình trạng hạn chế tài chính. Hottenrott và Peters (2012) cho rằng, DN thường dựa vào nguồn vốn nội bộ và thường gặp khó khăn cho các dự án đầu tư khi thiếu hụt nguồn vốn này. Theo Kaplan và Zingales (1997), hạn chế tài chính có thể do cấu trúc vốn không hợp lý, thị trường tài chính yếu kém, hoặc thiếu thông tin minh bạch. Fazzari và cộng sự (1988) nhấn mạnh rằng, việc thiếu hụt vốn ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án đầu tư quan trọng và sự phát triển của DN. Các DN gặp hạn chế tài chính có thể phải điều chỉnh chính sách kế toán và BCTC để cải thiện tình hình tài chính. Bên cạnh đó, gánh nặng chi phí nợ, đặc biệt là chi phí lãi vay cao làm tăng áp lực tài chính và có thể dẫn đến điều chỉnh chính sách kế toán, làm giảm độ tin cậy của BCTC, gây khó khăn trong việc huy động vốn mới và triển khai các dự án đầu tư (Fazzari và cộng sự, 1988). Như vậy, hạn chế tài chính có thể hiểu là sự thiếu hụt nguồn lực tài chính và khả năng tiếp cận vốn bên ngoài, dẫn đến việc phụ thuộc vào vốn nội bộ. Điều này làm gia tăng rủi ro tài chính, ảnh hưởng đến sự phát triển của DN và làm giảm tính minh bạch BCTC. Việc nhận diện và đánh giá đúng yếu tố này giúp cải thiện quản trị tài chính và củng cố niềm tin từ các bên liên quan.
Khái niệm và quy định về trình bày lại BCTC
Trình bày lại BCTC (restatement of financial statements) là quá trình điều chỉnh hoặc tái cấu trúc các BCTC của DN nhằm cung cấp thông tin chính xác, khách quan hơn, từ đó nâng cao khả năng phân tích và đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh. Theo Beneish (1999), hoạt động này thường được phát sinh sau khi xác định sai sót thông qua kiểm toán hoặc phân tích nội bộ, đòi hỏi DN công bố rõ nguyên nhân trình bày lại BCTC một cách cách minh bạch nhằm duy trì niềm tin của các bên liên quan. Theo Palmrose và Scholz (2000), trình bày lại BCTC không đơn thuần là việc điều chỉnh kỹ thuật, mà còn là sự thừa nhận về những sai sót trong BCTC ban đầu, thể hiện trách nhiệm giải trình của DN trong việc đảm bảo tính trung thực và minh bạch của thông tin tài chính. Hennes và cộng sự (2008) cũng đồng quan điểm khi cho rằng, BCTC cần được trình bày lại khi phát hiện những sai sót nghiêm trọng trong quá trình ghi nhận doanh thu hoặc chi phí, vì những sai sót này có thể ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của nhà đầu tư, làm thay đổi giá trị thị trường của DN và ảnh hưởng đến lòng tin của các bên liên quan. Như vậy, trình bày lại BCTC là một hoạt động điều chỉnh mang tính kỹ thuật, thể hiện cam kết của DN đối với tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Việc thừa nhận sai sót trong BCTC không chỉ giúp DN cải thiện lại quy trình kế toán và tăng cường các biện pháp kiểm soát nội bộ nhằm giảm thiểu rủi ro sai sót trong tương lai, mà còn đảm bảo độ tin cậy và nhất quán của thông tin tài chính, hỗ trợ các nhà đầu tư và các bên liên quan đưa ra quyết định kinh doanh một cách chính xác và sáng suốt hơn.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh pháp lý hiện nay, việc trình bày lại thông tin kế toán tại các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán được quy định bởi nhiều văn bản pháp luật, đảm bảo tính minh bạch và phản ánh trung thực tình hình tài chính và hoạt động của DN. Luật Kế toán 2015 yêu cầu các DN tuân thủ các nguyên tắc kế toán cơ bản, đảm bảo tính trung thực, hợp lý và minh bạch trong BCTC. Bên cạnh đó, Thông tư số 200/2014/TT-BTC và Thông tư số 155/2015/TT-BTC quy định về trách nhiệm công bố thông tin của các công ty đại chúng, yêu cầu công ty phải công bố kịp thời các thông tin liên quan đến việc thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và sai sót. Luật Chứng khoán 2019 yêu cầu BCTC phải được kiểm toán độc lập và công bố thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Các đối tượng công bố thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã công khai. Nếu có thay đổi nội dung thông tin đã công bố, DN phải công bố kịp thời lý do và nội dung thay đổi. Đồng thời, Chuẩn mực Kế toán Việt Nam VAS 29 quy định các nguyên tắc áp dụng và phương pháp xử lý khi có sự thay đổi trong các chính sách kế toán hoặc khi phát hiện sai sót trong BCTC nhằm đảm bảo tính nhất quán và khả năng so sánh giữa các kỳ báo cáo. Bên cạnh khung pháp lý trong nước, Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS) cũng cung cấp các nguyên tắc về việc trình bày lại thông tin kế toán. Theo IAS 1, DN phải trình bày BCTC rõ ràng, trung thực và có thể so sánh, đồng thời tuân thủ nguyên tắc nhất quán giữa các kỳ kế toán, trừ khi có sự thay đổi do yêu cầu của chuẩn mực kế toán hoặc điều kiện kinh tế. Trong khi đó, IAS 8 về thay đổi chính sách kế toán, DNphải công bố lý do và tác động của sự thay đổi đến BCTC và thực hiện điều chỉnh hồi tố số liệu của các kỳ trước để đảm bảo tính nhất quán và khả năng so sánh của thông tin tài chính.
Có thể thấy, hệ thống pháp lý Việt Nam và IAS yêu cầu các DN nói chung và các DN niêm yết tuân thủ chặt chẽ quy định về trình bày và công bố thông tin kế toán nhằm đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN chưa thực hiện đúng, dẫn đến việc trình bày lại BCTC ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín DN và niềm tin thị trường.
Nguyên nhân và hệ quả của trình bày lại BCTC đối với DN và thị trường tài chính
Trình bày lại BCTC là một quá trình mà DN thực hiện khi có sai sót trong quá trình lập báo cáo, thiếu minh bạch trong quản lý tài chính hoặc không tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực kế toán, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, cổ đông và các bên liên quan (FASB, 2007). Các nguyên nhân dẫn đến việc trình bày lại BCTC có thể phân loại thành nhiều nhóm khác nhau. Nghiên cứu của Hennes và cộng sự (2008) nhấn mạnh vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ yếu kém và cấu trúc quản trị DN không chặt chẽ có thể không phát hiện kịp thời các sai sót hoặc gian lận là nguyên nhân chính dẫn đến việc trình bày lại BCTC. Rezaei và Mahmoudi (2013) khẳng định rằng, các công ty có tỷ lệ nợ cao thường chịu áp lực tài chính lớn, khiến họ có thể sử dụng các biện pháp kế toán chủ quan để duy trì hình ảnh tài chính tích cực. Callen và cộng sự (2005) nhận định rằng, thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực với việc điều chỉnh giảm doanh thu và lợi nhuận. Vì việc trình bày lại BCTC thường được xem là một tín hiệu tiêu cực xuất phát từ 3 nguyên nhân chính gồm: (i) Những vấn đề bất ổn trong hệ thống kế toán hoặc hoạt động quản lý; (ii) Kỳ vọng về dòng tiền tương lai suy giảm; (iii) Nghi ngờ hành vi quản lý lợi nhuận khi cố tình điều chỉnh số liệu kế toán nhằm che giấu sự suy giảm thu nhập. Bên cạnh đó, việc trình bày lại BCTC còn làm gia tăng chi phí vốn của DN.
Hribar và Jenkins (2004) phát hiện rằng, chi phí vốn chủ sở hữu tăng lên sau khi công bố trình bày lại. Shi và Zhang (2008) cũng ghi nhận lãi suất trái phiếu phát hành sau khi trình bày lại BCTC có xu hướng tăng lên. Desai và cộng sự (2006) nhấn mạnh rằng, việc trình bày lại BCTC có thể gây tổn thất danh tiếng nghiêm trọng đối với DN, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thu hút nhân sự mới, quan hệ với khách hàng và các đối tác đầu tư. Các nhà quản lý tại các công ty trình bày lại BCTC có nguy cơ bị sa thải cao hơn và gặp khó khăn trong việc tái gia nhập thị trường lao động. Những kết quả nghiên cứu này cho thấy, trình bày lại BCTC không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường, mà còn làm gia tăng chi phí tài chính, tác động tiêu cực đến khả năng huy động vốn và hoạt động kinh doanh của DN. Do đó, tăng cường quản trị DN, hệ thống kiểm soát nội bộ và tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực kế toán là những yếu tố quan trọng nhằm giảm thiểu rủi ro và duy trì tính minh bạch trong BCTC.
Việc trình bày lại BCTC có thể là dấu hiệu của gian lận kế toán nghiêm trọng do sử dụng các thủ thuật kế toán để che giấu tình hình tài chính thực tế. Các vụ bê bối của Enron và WorldCom cho thấy hậu quả nghiêm trọng đến giá trị thị trường và lòng tin của nhà đầu tư, gia tăng mức độ bất cân xứng thông tin và giảm độ tin cậy của lợi nhuận báo cáo (Anderson và Yohn, 2002; Palmrose và cộng sự, 2004; Wilson, 2008). Tại Việt Nam, một số vụ việc điển hình của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (2016) và Tập đoàn FLC (2022) đã minh chứng cho ảnh hưởng tiêu cực của sai sót kế toán và thiếu minh bạch trong công bố thông tin tài chính. Cả 2 trường hợp đều buộc phải trình bày lại BCTC do có sự điều chỉnh lớn về doanh thu và lợi nhuận sau kiểm toán, khiến lợi nhuận thực tế giảm mạnh và giá cổ phiếu lao dốc, gây ra tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư và tác động tiêu cực đến thanh khoản của cổ phiếu trên sàn giao dịch. Những vụ bê bối tài chính này nhằm dấy lên mối lo ngại về tính minh bạch và mức độ tuân thủ các quy định kế toán của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Có thể thấy, trình bày lại BCTC là một hiện tượng đa nguyên nhân, bị chi phối bởi cả yếu tố nội bộ (hệ thống kiểm soát, quản trị DN) và yếu tố tài chính (áp lực lợi nhuận, tỷ lệ nợ). Ngoài ra, chi phí điều chỉnh BCTC là một gánh nặng tài chính, đặc biệt đối với các DN nhỏ và vừa. Việc trình bày lại BCTC gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng, làm giảm tính minh bạch, gây mất niềm tin cho những nhà đầu tư và làm biến động giá cổ phiếu, giảm tính thanh khoản. Do đó, các DN cần tăng cường giám sát tài chính, cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ và nâng cao trách nhiệm giải trình nhằm đảm bảo tính minh bạch và ổn định của thị trường chứng khoán.
TÁC ĐỘNG CỦA HẠN CHẾ TÀI CHÍNH ĐẾN VIỆC TRÌNH BÀY LẠI BCTC
Hạn chế tài chính xảy ra khi DN không có đủ nguồn lực tài chính sẵn có để đáp ứng nhu cầu hoạt động và phát triển, đặc biệt là trong điều kiện thiếu hụt vốn lưu động và chi phí lãi vay cao. Trong bối cảnh này, các DN thường ưu tiên các mục tiêu ngắn hạn như đảm bảo tính thanh khoản và trả nợ hơn là đầu tư vào các hoạt động dài hạn và bền vững. Theo Kinney và McDaniel (1989), các công ty trình bày lại BCTC thường có mức nợ ngân hàng cao hơn những công ty không trình bày lại. Beatty và cộng sự (2002) cho rằng, tính linh hoạt kế toán đóng vai trò quan trọng khiến các DN bị hạn chế tài chính có thể chủ động thực hiện thay đổi kế toán như: điều chỉnh phương pháp khấu hao, định giá hàng tồn kho hoặc phân bổ chi phí, nhằm cải thiện BCTC và tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn. Việc trình bày lại BCTC trong những trường hợp này nhằm tránh vi phạm các điều khoản vay, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn mới hoặc giảm chi phí tài chính (Beatty và cộng sự, 2002).
Nghiên cứu của Paananen và Lin (2009) cho thấy những công ty có mức nợ cao và tình hình tài chính không ổn định thường phải đối mặt với các rủi ro cao liên quan đến việc trình bày sai lệch thông tin tài chính, đo đó phải điều chỉnh BCTC để phản ánh tình hình thực tế. Kebewar (2013) nhận định hạn chế tài chính xảy ra khi lợi nhuận đạt được thấp hơn chi phí lãi vay. Các yếu tố như tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và tỷ lệ nợ trên tài sản đã được phân tích để làm rõ mối quan hệ này. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nợ ngắn hạn có tác động tiêu cực đến khả năng sinh lời, làm giảm ROA - tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản và ROE - tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu do chi phí lãi vay tăng lên. Đó cũng là biểu hiện của khủng hoảng tài chính được phản ánh qua sự gia tăng đột biến của chi phí lãi vay và suy giảm lợi nhuận, buộc họ phải điều chỉnh lại BCTC.
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, lãi suất tăng cao và điều kiện cho vay khắt khe hơn khiến DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lợi nhuận suy giảm hoặc thậm chí âm. Áp lực tài chính này có thể buộc DN phải trình bày lại BCTC nhằm điều chỉnh thông tin và giảm thiểu rủi ro tài chính. Linck và cộng sự (2013) cũng đã điều tra mối quan hệ giữa quản trị lợi nhuận và hạn chế tài chính, cho thấy các DN bị hạn chế tài chính có xu hướng thổi phồng lợi nhuận cao hơn trong các quý trước khi thực hiện đầu tư. Theo giả thuyết tín hiệu (signaling hypothesis), các nhà quản lý DN sử dụng các khoản dồn tích làm tăng thu nhập nhằm truyền tải thông điệp tích cực đến nhà đầu tư và cải thiện khả năng huy động vốn.
Có thể thấy, hạn chế tài chính xảy ra khi DN không có đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tài chính, làm gia tăng áp lực thanh khoản và ảnh hưởng đến chiến lược hoạt động. Các nghiên cứu cho thấy, những DN có mức đòn bẩy tài chính cao và chi phí nợ lớn có xu hướng trình bày lại BCTC nhiều hơn để tránh vi phạm điều khoản vay, thu hút nguồn vốn hoặc giảm chi phí tài chính (Beatty và cộng sự, 2002; Martínez-Sola và cộng sự, 2024). Ngoài ra, DN có thể áp dụng các phương pháp kế toán mang tính cơ hội như điều chỉnh chính sách khấu hao, định giá hàng tồn kho hoặc quản trị lợi nhuận để cải thiện hình ảnh tài chính (Linck và cộng sự, 2013). Đặc biệt, trong điều kiện khủng hoảng tài chính, chi phí lãi vay gia tăng có thể làm suy giảm lợi nhuận, dẫn đến áp lực điều chỉnh BCTC để giảm thiểu rủi ro phá sản (Kebewar, 2013). Những phát hiện này nhất quán với các nghiên cứu trước đây, khẳng định rằng trình bày lại BCTC có thể là công cụ giúp DN đối phó với hạn chế tài chính và duy trì khả năng huy động vốn.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu đã tiến hành tổng quan, phân tích mối quan hệ giữa hạn chế tài chính và việc trình bày lại BCTC của các DN niêm yết, qua đó cung cấp góc nhìn sâu hơn về động cơ, hệ quả và những hàm ý quan trọng đối với chất lượng thông tin kế toán. Khi đối mặt với áp lực tài chính, đặc biệt là chi phí nợ cao và đòn bẩy tài chính lớn, DN có xu hướng điều chỉnh BCTC nhằm cải thiện hình ảnh tài chính và duy trì khả năng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, hành động này có thể gây ra hậu quả lâu dài, làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư, gia tăng chi phí vốn và ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị DN. Thông qua các nội dung trong bài viết, nhóm tác giả muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị tài chính, nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ, áp dụng các cơ chế giám sát tài chính chặt chẽ và tuân thủ các nguyên tắc kế toán nghiêm ngặt có thể giúp DN hạn chế rủi ro từ việc trình bày lại BCTC, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và đảm bảo sự ổn định tài chính trong dài hạn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Anderson, K. L., and Yohn, T. L. (2002). The effect of 10K restatements on firm value, information asymmetries, and investors' reliance on earnings, Information Asymmetries, and Investors' Reliance on Earnings.
2. Beatty, A., Ramesh, K., and Weber, J. (2002). The importance of accounting changes in debt contracts: the cost of flexibility in covenant calculations, Journal of Accounting and Economics, 33(2), 205-227.
3. Beneish, M. D. (1999). The detection of earnings manipulation, Financial Analysts Journal, 55(5), 24-36.
4. Callen, J. L., Livnat, J., and Segal, D. (2005). Accounting restatements: Are they always bad news for investors?
5. Dechow, P. M., and Dichev, I. D. (2002). The quality of accruals and earnings: The role of accrual estimation errors The accounting review, 77(s-1), 35-59.
6. Desai, H., Hogan, C. E., and Wilkins, M. S. (2006). The reputational penalty for aggressive accounting: Earnings restatements and management turnover, The Accounting Review, 81(1), 83-112.
7. Fazzari, S. M., Hubbard, R. G., and Petersen, B. C. (1988). Financing constraints and corporate investment, Brookings Papers on Economic Activity, 1988(1), 141-206.
8. Hennes, K. M., Leone, A. J., and Miller, B. P. (2008). The importance of distinguishing errors from irregularities in restatement research: The case of restatements and CEO/CFO turnover, The Accounting Review, 83(6), 1487-1519.
9. Hribar, P., and Jenkins, N. T. (2004). The effect of accounting restatements on earnings revisions and the estimated cost of capital, Review of accounting studies, 9, 337-356.
10. Hottenrott, H., and Peters, B. (2012). Innovative capability and financing constraints for innovation: more money, more innovation?, Review of Economics and Statistics, 94(4), 1126-1142.
11. Kaplan, S. N., and Zingales, L. (1997). Do investment-cash flow sensitivities provide useful measures of financing constraints?, The quarterly journal of economics, 112(1), 169-215.
12. Kebewar, M. (2013). The effect of debt on corporate profitability: Evidence from French service sector, Brussels Economic Review, 56(1), 43-59.
13. Kinney Jr, W. R., and McDaniel, L. S. (1989). Characteristics of firms correcting previously reported quarterly earnings, Journal of accounting and economics, 11(1), 71-93.
14. Linck, J. S., Netter, J., and Shu, T. (2013). Can managers use discretionary accruals to ease financial constraints? Evidence from discretionary accruals prior to investment, The Accounting Review, 88, 2117-2143.
15. Martínez-Sola, C., Sanabria-García, S., and Garrido-Miralles, P. (2024). The effect of financial constraints on accounting restatements: Spanish evidence, European Research on Management and Business Economics, 30(2), 100244.
16. Paananen, M., and Lin, H. (2009). The development of accounting quality of IAS and IFRS over time: The case of Germany, Journal of International Accounting Research, 8(1), 31-55.
17. Palmrose, Z. V., and Scholz, S. (2000). Restated financial statements and auditor litigation, DOI:10.2139/ssrn.248455.
18. Phạm, T. L. (2008). Hoàn thiện kiểm tra, phân tích BCTC với việc tăng cường quản trị tài chính trong các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân.
19. Palmrose, Z. V., Richardson, V. J., and Scholz, S. (2004). Determinants of market reactions to restatement announcements, Journal of accounting and economics, 37(1), 59-89.
20. Rezaei, F., and Mahmoudi, S. M. (2013). Relationship between firm characteristics and financial restatements, Journal of Commerce & Accounting Research, 2(4).
21. Richardson, S., Tuna, I., and We, M. (2002). Predicting earnings management: The case of earnings restatements, Social Science Research Network Working Paper Series.
Ngày nhận bài: 15/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 19/5/2025; Ngày duyệt đăng: 21/5/2025 |