
(Ảnh minh họa: Cyberinsider).
Telegram, ứng dụng nhắn tin nổi tiếng với tính bảo mật cao, giao diện thân thiện, đã trở thành một hiện tượng toàn cầu với hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng năm 2023.
Được sáng lập bởi anh em Pavel và Nikolai Durov tại Nga năm 2013, Telegram nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nhờ tính năng mã hóa đầu cuối, tin nhắn tự hủy, khả năng tạo các nhóm hoặc kênh công khai với hàng chục nghìn thành viên.
Tuy nhiên, chính những đặc điểm này lại khiến Telegram trở thành tâm điểm tranh cãi khi nhiều quốc gia cáo buộc nền tảng này là công cụ cho các hoạt động bất hợp pháp, từ tội phạm mạng đến khủng bố.
Theo Lenta (Nga), ít nhất 8 quốc gia, gồm Tây Ban Nha, Pakistan, Na Uy, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thái Lan, Indonesia, đã đưa các biện pháp hạn chế hoặc cấm Telegram do thiếu hợp tác từ phía nền tảng. Thậm chí, Nga - nơi nền tảng Telegram ra đời, từng cấm ứng dụng này từ năm 2018 đến 2020. Vậy, tại sao Telegram lại mối lo ngại của nhiều chính phủ?
Thứ nhất, thiếu hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật. Một trong những lý do hàng đầu khiến Telegram bị hạn chế/cấm là sự thiếu hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) đánh giá Telegram là nền tảng "kém hợp tác nhất" trong việc hỗ trợ các cơ quan chức năng điều tra các hoạt động vi phạm pháp luật. Chính sách bảo mật nghiêm ngặt của Telegram, vốn ưu tiên quyền riêng tư của người dùng, đã khiến nhiều quốc gia gặp khó khăn trong việc yêu cầu nền tảng này cung cấp thông tin hoặc xóa các nội dung bất hợp pháp.
Nga là ví dụ điển hình về mâu thuẫn giữa nền tảng này và chính quyền. Năm 2018, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) yêu cầu Telegram cung cấp khóa mã hóa để truy cập dữ liệu người dùng nhằm điều tra các hoạt động liên quan đến khủng bố. CEO Pavel Durov từ chối yêu cầu này, viện dẫn quyền riêng tư của người dùng. Kết quả là, Nga ban hành lệnh cấm Telegram từ tháng 4/2018 - đến tháng 6/2020. Tuy nhiên, lệnh cấm này không đạt hiệu quả mong đợi. Người dùng Nga vẫn truy cập Telegram thông qua mạng riêng ảo (VPN), đáng chú ý, nhiều cơ quan chính phủ như Bộ Ngoại giao Nga, vẫn duy trì các kênh chính thức trên Telegram trong thời gian bị cấm. Điều này cho thấy sự phổ biến của Telegram và sự khó khăn trong việc thực thi lệnh cấm.
Tại Đức, Telegram cũng đối mặt với áp lực lớn. Năm 2022, Bộ Nội vụ Đức phát hiện 64 kênh Telegram chứa nội dung bài Do Thái, kích động bạo lực, vi phạm luật chống phát ngôn thù hận. Chính quyền yêu cầu Telegram xóa các nội dung này, nhưng nền tảng phản hồi chậm trễ, dẫn đến khoản phạt 5 triệu euro. Sau vụ việc, Telegram cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền Đức nhưng sự chậm trễ ban đầu đã làm dấy lên lo ngại về khả năng kiểm soát nội dung của nền tảng.
Sự thiếu hợp tác của Telegram không chỉ là vấn đề ở một vài nước mà mang tính toàn cầu. Chính sách bảo vệ quyền riêng tư của nền tảng, dù được người dùng đánh giá cao, lại trở thành rào cản khi chính phủ cần truy cập dữ liệu để đảm bảo an ninh.
Thứ hai, lạm dụng Telegram cho các hoạt động tội phạm. Telegram được thiết kế với các tính năng bảo mật cao như mã hóa đầu cuối, tin nhắn tự hủy, khả năng tạo các nhóm hoặc kênh công khai với hàng chục nghìn thành viên. Những tính năng này, dù mang lại lợi ích cho người dùng hợp pháp, lại bị các tổ chức tội phạm lợi dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.
Telegram đã trở thành một "sân chơi" cho các hoạt động lừa đảo tài chính, buôn bán ma túy, phát tán nội dung bất hợp pháp. Ví dụ, các nhóm lừa đảo thường sử dụng Telegram để giả mạo các tổ chức tài chính, dụ dỗ người dùng đầu tư vào các dự án ma quỷ, hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
Tại Ấn Độ, tháng 7/2024, cơ quan chức năng phát hiện âm mưu thao túng giá cổ phiếu thông qua các kênh Telegram, gây thiệt hại hơn 200.000 USD. Các nhóm tội phạm sử dụng Telegram để lan truyền thông tin sai lệch, thao túng thị trường tài chính, và thu lợi bất chính. Ở Singapore, Cục Phòng chống Ma túy Trung ương bắt giữ hơn 500 đối tượng từ 2019 liên quan sử dụng Telegram để buôn bán ma túy bất hợp pháp.
Telegram cũng bị cáo buộc là công cụ liên lạc cho các tổ chức khủng bố, cực đoan. Tại Nga, năm 2018, các nhóm khủng bố sử dụng Telegram để liên lạc, tổ chức các cuộc tấn công, dẫn đến lệnh cấm của chính phủ. Tại Anh, tháng 8/2024, các kênh Telegram bị cáo buộc kích động bạo loạn chống người nhập cư sau một vụ giết người ở miền bắc. Thủ tướng Anh Keir Starmer kêu gọi siết chặt quản lý Telegram để ngăn chặn hành vi kích động bạo lực. Ở Belarus, các kênh Telegram chống chính phủ bị coi là "cực đoan", những người tham gia có nguy cơ bị phạt tù tới 7 năm, theo Belta.
Một vấn đề khác khiến Telegram bị hạn chế là phát tán nội dung vi phạm bản quyền. Tại Tây Ban Nha, tháng 3/2023, Tòa án Tối cao ra lệnh cấm Telegram sau khi các tập đoàn truyền thông lớn Mediaset, Atresmedia, Movistar cáo buộc ứng dụng này cho phép phát tán phim, chương trình truyền hình, nội dung được bảo vệ bản quyền mà không có sự cho phép. Telegram không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin của tòa án, dẫn đến lệnh cấm tạm thời. Tuy nhiên, lệnh cấm sau đó bị thu hồi do phản ứng từ công chúng, cho rằng nó gây thiệt hại cho hàng triệu người dùng hợp pháp.
Thứ ba, mối lo ngại về an ninh quốc gia. Nhiều quốc gia coi Telegram là mối đe dọa an ninh quốc gia do khả năng phát tán thông tin sai lệch, tổ chức hoạt động chống chính phủ, khó kiểm soát nội dung. Tính ẩn danh cao, mã hóa đầu cuối của Telegram khiến việc giám sát các hoạt động trên nền tảng này trở nên gần như bất khả thi.
Tại Na Uy, từ tháng 3/2023, chính phủ đã cấm các quan chức, bộ trưởng và cố vấn chính trị sử dụng Telegram trên các thiết bị làm việc. Bộ trưởng Tư pháp Emilie Enger Mehl nhấn mạnh Telegram là "môi trường thuận lợi" cho việc phát tán thông tin sai lệch và tin tức giả mạo, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các quyết định chính trị và an ninh quốc gia.
Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên cấm Telegram, từ năm 2015. Chính phủ lo ngại Telegram được các nhà hoạt động, luật sư nhân quyền sử dụng để chỉ trích chính phủ, tổ chức các cuộc biểu tình. Các tính năng mã hóa của Telegram khiến chính quyền không thể giám sát nội dung, dẫn đến lệnh cấm hoàn toàn.
Tháng 9/2024, Ukraine ban hành lệnh cấm cài đặt Telegram trên các thiết bị chính phủ, áp dụng cho quan chức, quân nhân và nhân viên tại các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Trong bối cảnh xung đột quân sự với Nga (từ tháng 2/2022), Telegram bị cáo buộc là công cụ phát tán thông tin sai lệch trên chiến trường, gây nguy cơ ảnh hưởng an ninh quốc gia. Chính phủ Ukraine lo ngại rằng các kênh Telegram có thể bị Nga lợi dụng để tuyên truyền hoặc thu thập thông tin tình báo.
Thứ tư, thiếu cơ chế kiểm duyệt nội dung hiệu quả. Không giống như các nền tảng lớn như Facebook, X, WhatsApp, Telegram thiếu các cơ chế kiểm duyệt nội dung chặt chẽ. Trong khi các nền tảng khác có chính sách vô hiệu hóa tài khoản vi phạm hoặc xóa nội dung bất hợp pháp, Telegram thường không thực hiện các biện pháp tương tự. Điều này khiến Telegram trở thành "vùng đất màu mỡ" cho các hoạt động phi pháp, từ lừa đảo tài chính đến phát tán nội dung khiêu dâm và kích động bạo lực.
Tại Indonesia, chính phủ đang xem xét cấm Telegram do nền tảng này bị cáo buộc truyền bá nội dung khiêu dâm và thúc đẩy các hình thức cờ bạc trực tuyến. Bộ trưởng Truyền thông và Tin học Indonesia Budi Arie Setiadi cho biết các biện pháp chặn sẽ được thực thi nếu tìm thấy bằng chứng rõ ràng về các nội dung vi phạm.
Tại Ấn Độ, Cơ quan Điều phối tội phạm mạng (I4C) đang hợp tác với Bộ Nội vụ và Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin để điều tra mức độ hợp tác của Telegram, với khả năng cấm nếu nền tảng này không đáp ứng các yêu cầu.
Thứ năm, vụ bắt giữ Pavel Durov và áp lực toàn cầu. Vụ bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov tại Pháp vào tháng 8/2024 làm gia tăng áp lực đối với nền tảng này. Pavel Durov bị truy tố với 12 cáo buộc, bao gồm đồng lõa trong buôn bán ma túy, lừa đảo, rửa tiền và phát tán nội dung không phù hợp. Các cáo buộc này xuất phát từ việc Telegram không kiểm soát hiệu quả các nội dung bất hợp pháp trên nền tảng. Sau vụ bắt giữ, Durov được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 5 triệu Euro, nhưng sự kiện này đã khiến nhiều quốc gia xem xét lại chính sách đối với Telegram, theo Lenta.
Để đáp lại, Telegram đã thực hiện một số thay đổi trong chính sách quản lý. Vào cuối tháng 8/2024, nền tảng thông báo sẽ cung cấp địa chỉ IP và số điện thoại của người dùng vi phạm cho cơ quan chức năng theo yêu cầu hợp lệ. Ngoài ra, Telegram vô hiệu hóa một số tính năng như tải lên phương tiện mới cho công cụ viết blog và tính năng "People Nearby" (hiển thị danh sách những người dùng khác ở gần hoặc khoảng cách gần đúng của họ với bạn, cho phép bạn tạo nhóm trò chuyện dựa trên không gian địa lý), vốn bị lạm dụng để tội phạm tổ chức lừa đảo. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, những thay đổi này vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến tội phạm mạng.
Thứ sáu, thách thức trong quản lý nền tảng xuyên biên giới. Telegram là nền tảng xuyên biên giới với các máy chủ đặt tại nhiều quốc gia, khiến việc áp dụng luật pháp địa phương trở nên phức tạp. Nhiều Chính phủ yêu cầu các nền tảng này tuân thủ các quy định về kiểm tra, giám sát, loại bỏ nội dung vi phạm, tuy nhiên Telegram thường không đáp ứng các yêu cầu này, dẫn đến các biện pháp kỹ thuật như chặn truy cập.
Tại Brazil, năm 2022 Tòa án Tối cao ra lệnh chặn Telegram do nền tảng này không hợp tác cung cấp thông tin về các nhóm cực đoan. Lệnh cấm này sau đó được dỡ bỏ khi Telegram cam kết cải thiện cơ chế kiểm duyệt, nhưng sự kiện này cho thấy thách thức trong việc quản lý một nền tảng hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Thứ bảy, cân bằng giữa quyền riêng tư và trách nhiệm xã hội. Telegram luôn tự hào về việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, với triết lý "quyền riêng tư là tối thượng" của Pavel Durov. Tuy nhiên, chính triết lý này khiến Telegram trở thành mục tiêu chỉ trích của các chính phủ. Trong khi người dùng hợp pháp đánh giá cao khả năng bảo mật của Telegram, các tổ chức tội phạm lại lợi dụng điều này để che giấu hoạt động của mình. Các chuyên gia nhận định, Telegram cần tìm cách cân bằng giữa quyền riêng tư và trách nhiệm xã hội để tránh bị cấm ở nhiều quốc gia hơn nữa.
Sau vụ bắt giữ Durov, Telegram bắt đầu thay đổi chính sách nhưng những thay đổi này là chưa đủ. Ví dụ, việc cung cấp địa chỉ IP và số điện thoại của người dùng vi phạm chỉ được thực hiện khi có yêu cầu hợp lệ từ cơ quan chức năng nhưng Telegram vẫn không có đội ngũ kiểm duyệt nội dung chuyên trách như các nền tảng lớn khác. Điều này khiến các chính phủ nghi ngờ khả năng của Telegram trong việc tự quản lý.
Việc nhiều quốc gia trên thế giới hạn chế hoặc ban hành lệnh cấm Telegram xuất phát từ một loạt nguyên nhân: sự thiếu hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật, lạm dụng nền tảng cho các hoạt động tội phạm, mối lo ngại về an ninh quốc gia, thiếu cơ chế kiểm duyệt nội dung hiệu quả và thách thức trong quản lý một nền tảng xuyên biên giới. Các tính năng bảo mật của Telegram như mã hóa đầu cuối và tính ẩn danh, dù là lợi thế lớn, lại trở thành "con dao hai lưỡi" khi bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Vụ bắt giữ Pavel Durov và những thay đổi gần đây của Telegram cho thấy nền tảng này đang đứng trước ngã rẽ: hoặc điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của các chính phủ, hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm ở nhiều quốc gia hơn. Trong bối cảnh không gian mạng ngày càng phức tạp, Telegram cần tìm cách cân bằng giữa quyền riêng tư và trách nhiệm xã hội nếu muốn duy trì vị thế của mình trên thị trường toàn cầu.