Lê Minh Tuấn - Nhà khoa học trẻ khởi nghiệp 7 năm với vật liệu ‘Nobel’: Từ làm phụ hồ, gia sư, lắp mạng để nuôi dự án, đến giây phút vỡ òa khi nhận bằng sáng chế từ Hàn Quốc

Năm 2011, nhà nghiên cứu trẻ Lê Minh Tuấn lần đầu tiên tiếp xúc với phương pháp tách lớp graphene từ than chì từ giải Nobel Vật lý 2010.

Năm 2011, nhà nghiên cứu trẻ Lê Minh Tuấn lần đầu tiên tiếp xúc với phương pháp tách lớp graphene từ than chì từ giải Nobel Vật lý 2010.

Loại siêu vật liệu “mỏng nhất và bền nhất mà khoa học từng biết đến” ngay lập tức kích thích sự tò mò của nhà nghiên cứu trẻ. Thời điểm đó, anh chưa từng nghĩ đến chuyện khởi nghiệp hay thương mại hóa, tất cả bắt đầu chỉ từ một câu hỏi đơn giản: “Liệu mình có thể tạo ra graphene theo một cách khác – nhanh hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn?”

Những năm tháng sau đó là chuỗi ngày Tuấn Lê và cộng sự mải miết với thí nghiệm, tài liệu, những thất bại nối tiếp nhau và không ít lần muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi đến năm 2017, sau vô số lần thử và sửa, nhóm nghiên cứu của Tuấn Lê cuối cùng cũng tổng hợp thành công vật liệu graphene bằng mỡ động vật tái chế, với chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều lần.

“Một thứ gì đó không thể gọi tên, vừa nhẹ bẫng, vừa trĩu nặng”, anh Tuấn viết trên trang Facebook cá nhân.

Đó cũng là lúc các nhà khoa học trẻ Lê Minh Tuấn, Trần Duy Thành, Lê Văn Giắt đưa ra một quyết định táo bạo: Khởi nghiệp để thương mại hóa nghiên cứu, đưa sản phẩm ra thị trường.

Hành trình đầy chông gai này kéo dài 7 năm và được bù đắp khi công ty được Cục Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc cấp bằng sáng chế cho phương pháp sản xuất graphenne từ mỡ động vật tinh chế vào đầu năm 2025.

“Từ một ý tưởng đơn sơ đến một bằng sáng chế được công nhận là cả một quãng đường dài, đầy mồ hôi, nước mắt và niềm tin không lay chuyển”, CEO Graphene Lê Minh Tuấn viết.

Biểu đồ/hình ảnh minh họa quá trình nghiên cứu và phát triển graphene của Lê Minh Tuấn

Anh từng chia sẻ rằng anh bắt đầu khởi nghiệp với dự án này đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. Vậy khoảng thời gian đó anh trải qua như thế nào?

CEO Graphene Lê Minh Tuấn: Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tôi có thời gian làm việc trong khu công nghệ cao. Tại đây, tôi đi theo các tiến sĩ ở nước ngoài về nghiên cứu các mảng liên quan tới vật liệu graphene. Câu chuyện nghiên cứu ở Việt Nam đa phần vẫn là nghiên cứu xong để báo cáo, như vậy không thực tế. Tôi nghĩ rằng mình đã mất nhiều công sức nghiên cứu và phát triển thì không thể bỏ phí.

Tôi nghĩ cách kéo anh em ra ngoài làm, lập ra một nhóm chuyên nghiên cứu về graphene và các ứng dụng của nó. Chuyện nghiên cứu không thể xác định thành công hay không, giống như bạn phải làm cả ngàn phép thử mới may mắn có một thứ thành công, sau đó mình sẽ đánh giá lại và tiếp tục cải tiến. Dự kiến ban đầu quá trình này mất khoảng 3 năm, chúng tôi đã chuẩn bị nguồn tiền đủ sống và nuôi dự án. Nhưng thực tế không như vậy, chúng tôi nhanh chóng bị hao hụt dòng tiền.

Để tiếp tục duy trì dự án, tôi phải tìm tới công việc gia sư, dạy kèm cho các bạn học sinh cấp 2, cấp 3… Thậm chí từng có lúc đi phụ hồ, lắp mạng internet, lắp máy tính…nói chung có việc nào ra tiền, không vi phạm pháp luật và đạo đức, tôi sẽ làm. Cho tới lúc tài chính kiệt quệ, phải tính đến phương án cuối cùng là vay mượn bạn bè.

Mình bỏ một công việc ổn định, đi ra ngoài tự làm nghiên cứu mà chưa thành công nên đâu có thể nói cho ai biết được. Không thể giải thích cho họ là mình vay tiền để nghiên cứu một thứ không biết bao giờ sẽ có kết quả. Vì vậy tôi cũng bị mất lòng tin, nhiều bạn bè hủy kết bạn.

Thời gian đó kéo dài 5 năm, nhiều cái Tết tôi không dám về nhà. Bởi đôi khi bố mẹ cũng nghi ngờ không biết mình có dính vào tệ nạn xã hội, ma túy hay không. Trong khi mình không thể giải thích là đang nghiên cứu một thứ vật liệu mới. Đôi lúc cũng thấy rất buồn nhưng những lúc như thế mới thấy được khả năng chịu đựng của bản thân thế nào.

Chân dung nhà khoa học trẻ Lê Minh Tuấn

5 năm cũng khá dài và nhiều chông gai, anh duy trì động lực của mình như thế nào? Có khi nào anh nghĩ về việc dừng lại?

Cũng có đấy. Năm 2015, Trần Duy Thành hiện cũng là founder của công ty, đang làm nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc nghiên cứu về vật liệu graphene, năng lượng, hydro xanh.

Lúc đó, Thành nói với tôi rằng “Hay sang đây theo giáo sư mà Thành đang học để học lên tiến sĩ luôn”. Nhưng ngay từ đầu quan điểm của tôi là những gì nghiên cứu phải được ứng dụng vào thực tế, giúp được cho xã hội. Nếu bây giờ lại theo con đường học thuật, lại là chuyên nghiên cứu ra, gửi lên tạp chí khoa học… thì đó không phải định hướng của chúng tôi.

Vậy là tôi lại tiếp tục. Thời điểm ấy, tôi chưa lập gia đình nên nghĩ rằng mình ngủ đâu cũng được, ăn gì chẳng được, không quan trọng, miễn sao mình có thể làm được điều mình thích.

Năm 2017, chúng tôi mới ra được phương pháp sản xuất graphenne từ mỡ động vật tinh chế. Ý tưởng này bắt đầu khi tôi nhìn thấy những nồi thịt kho bị cháy của mẹ. Khi đó dưới đáy nồi có lớp dày, thực chất nó là dạng graphene đơn giản. Việc sản xuất graphene từ mỡ động vật tinh chất giúp kéo chi phí sản xuất còn 0,1 USD/gr, giá thành graphene cũng chỉ bằng 20%.

Khi đó, chúng tôi mới tự tin đi gọi vốn. Chúng tôi gặp nhiều bên lắm nhưng người ta đâu hiểu về vật liệu này vì chúng còn quá mới ở Việt Nam. Thực tế giai đoạn 2017-2018, vật liệu nano lúc đó mới ở giai đoạn bắt đầu.

Trước đây tôi suy nghĩ đơn giản rằng mình nghiên cứu một loại vật liệu mới có thể ứng dụng ngay lập tức nếu nó tốt. Nhưng thực tế không phải như vậy. Quãng đường từ phòng lab đến gọi vốn, áp dụng thực tế có nhiều vấn đề phát sinh.

Hình ảnh liên quan đến quá trình gọi vốn và tham gia Vietnam Startup Wheel của dự án Graphene

May mắn chúng tôi có những người anh em tâm huyết cùng đồng hành với mình khoảng thời gian đầu. Đây cũng là thời điểm Chính phủ có nhiều chính sách phát triển khởi nghiệp, tạo điều kiện cho những startup mới với các chương trình hỗ trợ.

Như một cơ duyên, năm 2018, tôi tình cờ biết đến Vietnam Startup Wheel - cuộc thi thường niên do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) tổ chức. Chúng tôi đăng kí tham gia, lúc đó mới được mentor (huấn luyện) phải gọi vốn như thế nào.

3 người chúng tôi đều là kỹ thuật, nghiên cứu, đâu biết những thứ đó đâu, trình bày cũng không biết trình bày sao nữa. Chỉ đơn giản giới thiệu đây là giải pháp, vật liệu của bên em nghiên cứu ra, nhưng các nhà đầu tư đâu quan tâm mình phát minh ra cái gì.

Tại Vietnam Startup Wheel 2018, chúng tôi giành được giải thưởng cho dự án sáng tạo nhất. Giai đoạn đó, các mentor, nhà đầu tư chủ yếu cố vấn là chính. Sau đó chúng tôi cũng đi gặp nhiều bên khác và rất nhiều các quỹ ươm tạo được mở ra nên chúng tôi cũng tranh thủ tham gia vào các chương trình đó.

Lúc đó chúng tôi vẫn cần tiền nhưng hiểu rằng mình cần sự tư vấn của các mentor nhiều hơn để có thể phát triển sản phẩm hơn nữa và tiếp tục vòng gọi vốn tiếp theo. Đến năm 2020, chúng tôi đã nhận vốn đầu tư 50.000 USD từ ThinkZone Ventures cũng như sự hỗ trợ về không gian làm việc, đào tạo nhân sự từ 2 đơn vị khác.

Đa phần các mentor đều rất bận, không có nhiều thời gian sâu sát với mình. Do đó, các vấn đề về chiến lược phát triển, họ sẽ đặt ra cho mình các câu hỏi, mình tìm cách giải quyết. Chủ yếu hỏi về kinh nghiệm xử lý vấn đề của họ, sau đó tôi tự tìm tòi trên sách, báo, các dự án họ đã thành công, thất bại thế nào để mình rút kinh nghiệm.

Hình ảnh về sự hỗ trợ từ mentor và quỹ đầu tư ThinkZone Ventures cho dự án Graphene

Thời điểm đó nếu không gọi được vốn thì phương án 2 của anh sẽ như thế nào?

Ngoài việc gọi vốn từ các quỹ, tôi vẫn tự tin rằng với giải pháp, sản phẩm của mình có thể xin được các nguồn tài trợ từ một số tổ chức hỗ trợ khác. Tuy nhiên, chúng tôi hạn chế phương án này vì sau đó sẽ mất nhiều thời gian báo cáo, không hiệu quả bằng cách gọi vốn. Đó chỉ là phương án cuối cùng thôi.

Nói chung chúng tôi cũng cố vay mượn, sau đó gia đình đã tin tưởng hơn, đưa sổ đỏ cho đi cầm ngân hàng, nói chung không phải lo về vấn đề tài chính nữa.

Vì sao anh chọn xi măng là vật liệu đầu tiên để thương mại hóa nghiên cứu này?

Trong điều kiện của Việt Nam, trang thiết bị để nghiên cứu, ứng dụng vào lĩnh vực sản xuất xi măng đơn giản, chỉ là những thiết bị phân tán, không đòi hỏi công nghệ cao cấp.

Bên cạnh đó, xi măng và thép là 2 nguyên liệu chủ đạo trong xây dựng hạ tầng, giao thông - lĩnh vực đang được đẩy mạnh. Việt Nam lại là nước có sản lượng xi măng đứng thứ 3 thế giới. Còn thép chúng ta có một hệ sinh thái sẵn rồi. Lúc đó tôi cảm thấy ứng dụng giải pháp vào những ngành này sẽ có thị trường.

Với giải pháp ứng dụng vào pin của xe chạy bằng hydro chúng tôi có hợp tác với phía Hàn Quốc, ở đó có co-founder Trần Duy Thành phụ trách.

Ở thị trường trong nước, chúng tôi tập trung ứng dụng giải pháp vào ngành xi măng, nhựa, sơn.

Để ứng dụng graphene trong xi măng, chúng tôi cũng phải đi gặp rất nhiều bên. Một sản phẩm bắt buộc phải có những hệ sinh thái phù hợp thì mới đi bền vững được. Nếu một sản phẩm mới, chưa có ngoài thị trường và chưa đủ hệ sinh thái của thì làm rất cực. Đó là hướng đi của chúng tôi.

Khi chúng tôi thử nghiệm tại các đơn vị, nhà máy, chúng tôi đều mời đại diện xi măng FiCo YTL đi cùng. Chúng tôi hay đùa rằng: “Giải pháp của em tiết kiệm xi măng cho bên anh, sao anh không sài được”. Thực tế đây là chuyện đương nhiên, xi măng FiCo hay những bên sản xuất xi măng khác cũng định hướng phát triển bền vững, cũng đang tìm kiếm những giải pháp xanh ứng dụng vào trong ngành.

Bởi theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM, EU sẽ áp dụng thuế carbon với nhiều sản phẩm, trong đó có xi măng và thép. Nếu các nhà sản xuất không giảm phát thải thì sẽ phải đóng thuế cao hơn và cũng ảnh hưởng tới sản lượng xuất khẩu. Trong khi đó, giải pháp của chúng tôi giúp tăng tính chất cơ lý của bê tông lên 30 - 40%, giảm lượng xi măng sử dụng trong bê tông từ 10 - 15% và giảm khí thải carbon cho ngành xi măng. Chúng tôi coi họ là những người đồng hành, cùng phát triển để đưa tới giải pháp tốt hơn cho người dùng.

Tuy vậy, sau nhiều lần thử nghiệm, mặc dù khách hàng đánh giá giải pháp giúp tăng tính cơ lý cho bê tông, cho sản phẩm của họ, nhưng đôi lúc họ vẫn băn khoăn rằng sản phẩm này mới quá, chưa dám ứng dụng rộng rãi vì lo ngại rủi ro. Chúng tôi chỉ đảm bảo giải pháp có thể tăng tính cơ lý cho sản phẩm, giúp họ giảm chi phí sản xuất. Còn việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thì các nhà sản xuất phải đưa ra và chịu trách nhiệm.

Để giải quyết vấn đề đó, chúng tôi kết hợp với các bên kiểm định chất lượng, như vậy sự thuyết phục đối với khách hàng sẽ cao hơn mình đi một mình. Sắp tới, một số bên khác như Công ty Xây dựng Ricons, Phan Vũ Group… cũng sẽ ứng dụng giải pháp của chúng tôi.

Hình ảnh minh họa ứng dụng của graphene trong ngành xi măng và xây dựng

Lý do gì anh chọn đăng kí sáng chế ở Hàn Quốc mà không phải là Mỹ hoặc nơi khác?

Hàn Quốc cũng là một trong những nước lớn, có uy tín về phát triển các loại vật liệu tiên tiến. Vì sao chúng tôi không chọn đăng kí sáng chế ở Mỹ hay châu Âu, lý do đầu tiên là vì chi phí tại Hàn Quốc phù hợp hơn. Trong khi đó, các hệ thống đăng kí sáng chế đã được công nhận trên toàn thế giới, Việt Nam cũng đã tham gia vào cách đây 10 năm.

Nhưng quan trọng hơn là chúng tôi đang nhắm tới thị trường châu Á để triển khai thương mại. Còn giải pháp ứng dụng trong pin nhiên liệu thì có thể đăng kí ở Pháp… tùy vào chiến lược triển khai thương mại hóa của mỗi vật liệu.

Ngoài việc thuận lợi cho thương mại hóa, việc đăng kí sáng chế cũng là cách các anh bảo vệ thành quả của mình?

Đúng vậy, cứ nhìn Trung Quốc, với công nghệ của họ, nhân công của họ chắc chắn hơn mình rất nhiều. Hiện nay, chúng tôi đang tiên phong ở thị trường Việt Nam. Người “mở đường” bao giờ cũng khó khăn, mất nhiều thời gian hơn.

Nhưng khi đã có thị trường thì rất nhiều bên sẽ nhảy vào làm. Vậy đâu là rào cản lớn nhất khiến các đối thủ cảm thấy khó cạnh tranh với mình, đó là giá trị của công ty ngày càng tăng lên. Ngoài ra công nghệ phải đủ sâu để các bên thấy rằng việc theo đuổi nó là rất khó, cần nguồn lực đầu tư lớn để họ quyết định có tham gia vào lĩnh vực này hay không.

Về lâu dài, khi có sáng chế, giá trị của công ty chúng tôi cũng tăng lên. Ban đầu khi gọi vốn từ ThinkZone Ventures, chúng tôi chỉ có sự máu lửa nhưng họ vẫn tin tưởng và đầu tư cho chúng tôi. Nếu lúc đó, chúng tôi mua sản phẩm đâu đó ở Đức, Trung Quốc về thì cũng được, nhưng lâu dài thì sao họ tin tưởng chúng tôi. Do đó điều đầu tiên vẫn là con người có thể tạo niềm tin hay không. Và bằng sáng chế là thứ để chứng nhận những việc chúng tôi đang làm, củng cố niềm tin mà các đối tác, nhà đầu tư đặt vào mình.

Đôi khi khách hàng quốc tế nhìn sản phẩm của Việt Nam thường nghĩ rằng mình mua từ Trung Quốc, đóng lại tem mác và bán cho họ. Nhưng khi có bằng sáng chế rồi, họ nhìn profile của mình thì họ cũng tin tưởng hơn và mình cũng có vị thế hơn.

Hình ảnh liên quan đến bằng sáng chế graphene tại Hàn Quốc

Từ người chỉ làm việc tại phòng lab, giờ đây phải tiếp xúc với một loạt quy trình vận hành doanh nghiệp, anh đã thích ứng như thế nào?

Thực tế trong 3 người chỉ có tôi thay đổi một chút tư duy về quản trị, 2 người còn lại vẫn thuần về nghiên cứu. Có câu nói “Nhà bác học mà kinh doanh thì dở dở ương ương, không ra cái gì hết”. Nếu nói về định hướng, tôi vẫn muốn tìm thêm một mảnh ghép đủ mạnh về quản trị để tôi có thể quay về thuần làm kĩ thuật.

Tôi cũng hay chia sẻ với các nhà đầu tư hay partner rằng, nếu cho tôi ngồi phòng lab 24/24 cũng được. Nhưng bảo tôi ngồi viết một bản kế hoạch tài chính hay làm những công việc điều hành doanh nghiệp lại là thách thức. Mình ngồi nghiên cứu cả ngày không sao nhưng đi tiếp khách một lúc là thấy rất mệt, mặc dù điều đó bắt buộc phải làm.

Trong lúc công ty chưa tìm được ai, chúng tôi có chiến lược tìm các partner (người đồng hành). Họ là những người giàu kinh nghiệm và có trách nhiệm, họ cùng đồng hành, đóng góp vào dự án của chúng tôi và nhận lại esop (cổ phần) sau đó. Bên tôi có khá nhiều partner vì họ cũng thấy đội ngũ tâm huyết, sản phẩm tiềm năng thì họ hỗ trợ. Nói chung trời cũng thương (cười).

Vậy việc chọn người đồng hành có khó khăn với anh không?

Vật liệu graphene đến hiện tại vẫn ở giai đoạn sớm. Chúng tôi xác định nếu các nhà đầu tư hay những mảnh ghép cùng tham gia dự án này phải có chung tầm nhìn dài hạn từ 5-10 năm, để xác định có thể đi cùng nhau hay không.

Bên tôi cũng tìm khá nhiều partner. Cũng có người chỉ đồng hành vài tháng rồi họ lại đi. Nói chung câu chuyện chọn nhà đầu tư hay đối tác vẫn là sự phù hợp về tầm nhìn, sứ mệnh. Cơ hội này không tới với mình thì nó lại là cánh cửa mở ra cơ hội khác, giúp mình tiếp xúc với bên khác tốt hơn. Giống như khi yêu nhau rồi chia tay, ai cũng buồn bã, nhưng lỡ gặp người tốt hơn thì sao?

Chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn ban đầu rồi. Hiện nay tuy nhiều việc phải làm hơn nhưng không còn áp lực như trước kia nữa. Tôi từng đi phụ hồ rồi, không có vấn đề gì không thể vượt qua được.

Hành trình đưa sản phẩm từ phòng lab ra thị trường là quãng đường rất dài, cần nhiều nguồn lực và các bên đi cùng mình. Trong hành trình đó mình sẽ chọn lựa ai phù hợp và không. Nếu có thời khắc các founder không còn chung tầm nhìn nữa thì cũng ra đi trong vui vẻ thôi, không có vấn đề gì hết.

Chúng tôi cũng định hướng nếu quy mô sản xuất lớn hơn, thị trường rộng hơn sẽ bắt tay với một tập đoàn nào đó về vật liệu. Khi đó, chúng tôi sẽ quay trở lại là những người nghiên cứu, phát triển các giải pháp mới.

Bởi khi công ty đủ lớn, chắc chắn “chiếc áo” đó chúng tôi sẽ “mặc” không vừa, sẽ có người khác “mặc thay”. Tôi không quan trọng mình phải nắm quyền điều hành chính mà người nào có khả năng, tầm nhìn đủ lớn, có thể cùng đi với chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng chào đón. Tôi cũng có mấy người bạn làm nghiên cứu, có các partner về tài chính, phát triển kinh doanh, khi kết hợp với nhau tạo nên thế mạnh và phát triển rất tốt.

Chân dung nhà khoa học trẻ Lê Minh Tuấn

Định hướng sắp tới của bên anh như thế nào?

Trong ngắn hạn, 3 năm tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh giải pháp ứng dụng graphene trong xi măng và sơn chống thấm để dẫn đầu thị trường này. Công ty có kế hoạch mở rộng các nhà máy để tăng sản lượng sản xuất lên 1.000 tấn/năm, so với mức 200 tấn/năm hiện tại, để đón sóng đầu tư công và xu hướng dịch chuyển sản xuất về Việt Nam. Sau đó sẽ mở rộng ứng dụng graphene trong pin nhiên liệu.

Để mở rộng nhà máy, chúng tôi định hướng tiến đến vòng gọi vốn Series A. Tuy nhiên chúng tôi có mục tiêu tìm tới các quỹ đầu tư trong các tập đoàn nhiều hơn. Còn nếu gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ rất áp lực về doanh thu, lợi nhuận và nhiều điều khoản khó khăn.

Tầm nhìn dài hạn 5-7 năm có thể chúng tôi tìm tới một tập đoàn lớn nào đó để “bán mình” cho họ khi thị trường đủ độ lớn. Tôi định hướng sẽ thành lập một Trung tâm nghiên cứu, phát triển các giải pháp ứng dụng graphene và đăng kí bằng sáng chế. Các giải pháp từ trung tâm sẽ được ứng dụng cho các bên khác. Điều này đi đúng với thế mạnh của tôi.

Xin cảm ơn anh!

Bài viết:
Phan Trang
Thiết kế:
Hà Mĩ

Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/le-minh-tuan-nha-khoa-hoc-tre-khoi-nghiep-7-nam-voi-vat-lieu-nobel-tu-lam-phu-ho-gia-su-lap-mang-de-nuoi-du-an-den-giay-phut-vo-oa-khi-nhan-bang-sang-che-tu-han-quoc-a326649.html