Nga có thể mang dự thảo nào tới bàn đàm phán hòa bình với Ukraine?

() - Dự thảo thỏa thuận bị hủy bỏ vào năm 2022 có thể sẽ được xem xét nếu Nga và Ukraine nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp.

Nga có thể mang dự thảo nào tới bàn đàm phán hòa bình với Ukraine? - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp tại Điện Élysée ở Paris năm 2019 (Ảnh: WSJ).

Điện Kremlin cho biết các cuộc đàm phán hòa bình do Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất với Ukraine sẽ tính đến dự thảo thỏa thuận năm 2022 bị hủy bỏ giữa hai nước và việc Nga trên thực tế đã kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine.

Vào ngày 11/5, Tổng thống Putin đã đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine nhằm mang lại hòa bình lâu dài để chấm dứt xung đột. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh sáng kiến này, nói rằng Kiev sẵn sàng đàm phán nhưng trước tiên Moscow phải đồng ý ngừng bắn ngay lập tức.

Sau tuyên bố của Tổng thống Putin, Cố vấn chính sách đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov nói rằng các cuộc đàm phán được đề xuất với Ukraine sẽ tính đến dự thảo bị hủy bỏ vào năm 2022 và tình hình hiện tại trên thực địa.

Vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Nga và Ukraine đã bắt đầu các cuộc đàm phán tại Belarus, sau đó chuyển đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Một dự thảo được các bên thống nhất tại Istanbul đã nêu rõ khuôn khổ cho một giải pháp khả thi được gọi là "Thông cáo Istanbul".

Sau đó, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ vào tháng 5, nhưng các quan chức Nga từ lâu đã lập luận rằng hai nước có thể đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột theo hướng của thông cáo chung. Ông Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đề cập đến dự thảo năm 2022 như một chỉ dẫn khả thi cho việc đạt được hòa bình trong tương lai.

Theo dự thảo, Ukraine sẽ đồng ý trung lập vĩnh viễn để đổi lấy sự đảm bảo an ninh quốc tế từ 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ, cũng như các quốc gia khác gồm Belarus, Canada, Đức, Israel, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Về cơ bản, Ukraine đã tạm thời đồng ý về việc duy trì tình trạng trung lập phi hạt nhân và không gia nhập liên minh quân sự NATO. Nếu Ukraine trở thành một phần của NATO, trong trường hợp Nga hành động quân sự, Mỹ và các đồng minh sẽ phải chiến đấu trực tiếp với Nga theo điều khoản phòng thủ tập thể.

Vấn đề lãnh thổ trong dự thảo năm 2022 là vấn đề thứ yếu so với sự đảm bảo an ninh, vốn được các nhà ngoại giao ở cả hai bên coi là rào cản lớn nhất đối với việc đạt được hòa bình.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự, Ukraine muốn an ninh của nước này được đảm bảo, nhưng Mỹ và các đồng minh lo ngại viễn cảnh bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trong tương lai với Nga.

Theo dự thảo năm 2022, con đường hướng tới việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine sẽ được tạo điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, Nga muốn giới hạn lực lượng vũ trang của Ukraine, đồng thời bãi bỏ các luật mà Moscow coi là phân biệt đối xử với những người nói tiếng Nga.

Bước ngoặt lịch sử

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm nay tuyên bố nước này đã chấp thuận đề xuất của Nga về việc làm trung gian đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev vào năm 2022, nhưng nỗ lực này cuối cùng bị sụp đổ sau khi Ukraine rút lui.

Trong cuộc điện đàm hôm nay, Tổng thống Erdogan hoan nghênh tuyên bố gần đây của Tổng thống Putin rằng "các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục tại Istanbul", đồng thời nói thêm rằng Ankara "sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán dẫn đến một giải pháp lâu dài".

Điện Kremlin đã xác nhận cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, nêu rõ rằng hai nhà lãnh đạo "đã thảo luận chi tiết về sáng kiến của tổng thống Nga nhằm nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine".

Cùng ngày, Tổng thống Erdogan nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng "một bước ngoặt lịch sử" để chấm dứt xung đột đã đạt được và cơ hội này nên được nắm bắt.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và một số nước phương Tây ủng hộ Kiev vẫn cho rằng Nga phải đồng ý ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày trước khi đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên, ông Putin cáo buộc Kiev đã không tuân thủ 3 lệnh ngừng bắn do Moscow đưa ra.

Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/nga-co-the-mang-du-thao-nao-toi-ban-dam-phan-hoa-binh-voi-ukraine-a326616.html