Tiêm kích Rafale (Ảnh: Reuters).
Một cuộc chạm trán trên không giữa Ấn Độ và Pakistan, được mô tả là một trong những trận không chiến lớn nhất kể từ sau Thế chiến II, đã cho thấy rõ một thực tế: Các cuộc đối đầu trên không giờ đây chủ yếu diễn ra ngoài tầm nhìn, với radar và tên lửa thay thế vai trò của những phi công từng quan sát đối thủ bằng mắt thường.
Khi tên lửa có thể truy đuổi mục tiêu từ khoảng cách hàng chục, thậm chí hàng trăm km, các quốc gia đang đổ nguồn lực vào công nghệ tàng hình, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và tác chiến điện tử.
Điều này thay đổi hoàn toàn học thuyết tác chiến tại một chiến trường mà vũ khí đối thủ không còn xuất hiện trong tầm mắt.
Cuộc đụng độ trên không giữa Ấn Độ và Pakistan không chỉ là chuyện riêng của hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang trong cuộc đối đầu lớn nhất nhiều thập niên, mà trở thành một bài học cho giới quan sát, chuyên gia phân tích.
Trước đó, một nguồn tin an ninh Pakistan nói với truyền thông Mỹ rằng khoảng 125 chiến đấu cơ Ấn Độ và Pakistan đã tham gia vào một cuộc không chiến kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ hôm 7/5.
Pakistan cho biết họ đã bắn rơi 5 máy bay của đối thủ. Trong khi đó, Ấn Độ bác bỏ tuyên bố của Pakistan rằng đã bắn rơi máy bay của New Delhi.
Việc sử dụng tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu hiện đại đã mở rộng khái niệm truyền thống về "không chiến", vốn trước đây là các màn rượt đuổi ở cự ly gần, sang những tình huống ngoài tầm nhìn (BVR).
Trong cuộc đối đầu, tên lửa tầm xa dường như được phóng từ khoảng cách hơn 160km. "Theo chuẩn hàng không thì đó vẫn là tương đối gần. Lý tưởng nhất là hạ mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm km", Walter Ladwig, thành viên nghiên cứu tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Vương quốc Anh (RUSI), nói với Newsweek.
Tên lửa BVR đã chiếm ưu thế trong các cuộc giao tranh không đối không nhiều thập kỷ qua, với kết quả là các bên ngày càng phụ thuộc vào khả năng cơ động và hệ thống phòng thủ của máy bay.
"Ngay cả 20 năm trước, trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, các cảm biến, vũ khí và mạng lưới tốt hơn đã khiến các trận chiến cự ly gần ít phổ biến hơn, và độ linh hoạt của máy bay chiến đấu cũng trở nên kém quan trọng hơn", cựu sĩ quan Không quân Mỹ kiêm chuyên gia phân tích quốc phòng John Stillion viết trong một báo cáo năm 2015 cho Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược (CSBA).
Pakistan đã sử dụng tiêm kích J-10 do Trung Quốc chế tạo để phóng tên lửa không đối không vào các máy bay Ấn Độ, theo Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Muhammad Asif và một quan chức Mỹ nói với Reuters.
Trong khi đó, Ấn Độ được cho đã chủ yếu dùng tiêm kích Rafale mua từ Pháp.
Mảnh vỡ máy bay xuất hiện tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát (Video: AP).
Một số chuyên gia đang tìm cách đánh giá máy bay Trung Quốc về chất lượng, hiệu năng và khả năng so với các hệ thống tương đương do phương Tây sản xuất, theo ông Ladwig. Việc phân tích sâu hơn cuộc không chiến có thể mang lại một cái nhìn trọn vẹn hơn về tiêm kích do Bắc Kinh sản xuất.
RUSI từng công bố nghiên cứu vào tháng 10/2020 cho thấy Trung Quốc đã chuyển từ việc nhập khẩu máy bay Nga sang tự sản xuất các tiêm kích tiên tiến, cảm biến và vũ khí một cách chủ động hơn.
Douglas Barrie, chuyên gia hàng không quân sự cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng: "Các quốc gia chắc chắn sẽ rất quan tâm tìm hiểu sự thật thực địa về chiến thuật, kỹ thuật, quy trình, vũ khí nào được dùng, cái gì hiệu quả và cái gì không".
Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/125-may-bay-an-do-pakistan-doi-dau-buoc-nhay-vot-cua-khong-chien-a326474.html