Các máy bay chiến đấu Rafale của Không quân Ấn Độ trong một cuộc triển lãm hàng không vào năm 2021 (Ảnh: Reuters).
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết khả năng cao là Pakistan đã sử dụng máy bay J-10 do Trung Quốc sản xuất để phóng tên lửa không đối không vào máy bay chiến đấu của Ấn Độ, bắn hạ ít nhất hai chiếc.
Đây là lần đầu tiên phương Tây xác nhận máy bay chiến đấu do Trung Quốc sản xuất của Pakistan đã được sử dụng trong vụ bắn hạ.
Một quan chức khác cho biết ít nhất một máy bay phản lực của Ấn Độ bị bắn hạ là máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất.
Cả hai quan chức này đều cho biết máy bay F-16 của Pakistan, do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, không được sử dụng trong vụ bắn hạ.
Quân đội Pakistan tuyên bố, trong cuộc không chiến kéo dài khoảng một giờ đồng hồ rạng sáng 7/5, máy bay chiến đấu của nước này đã bắn rơi 5 tiêm kích và một máy bay không người lái của Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Muhammad Asif nói, Pakistan đã sử dụng chiến đấu cơ J-10 do Trung Quốc chế tạo để bắn hạ 3 tiêm kích Rafale mà Ấn Độ mới mua của Pháp.
Tuy nhiên, đến nay, Ấn Độ vẫn không xác nhận thiệt hại này, chỉ nói rằng 3 máy bay quân sự của họ bị rơi.
Rafale và J-10 đều được coi là máy bay chiến đấu thế hệ 4.5, xếp hàng đầu trong lĩnh vực máy bay chiến đấu.
Năng lực của một máy bay chiến đấu hàng đầu của Trung Quốc so với một đối thủ phương Tây đang được Washington cũng như các nước châu Âu theo dõi chặt chẽ.
Các nhà phân tích phương Tây và nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng cho biết việc sử dụng trực tiếp một số vũ khí tiên tiến có thể được sử dụng các cuộc xung đột trong tương lai sẽ được xem xét kỹ lưỡng, nhưng nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn.
"Các cộng đồng tác chiến trên không ở Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu sẽ rất quan tâm đến việc cố gắng thu thập càng nhiều thông tin thực tế càng tốt về chiến thuật, kỹ thuật, quy trình nào đã được sử dụng, cái nào hiệu quả, cái nào không hiệu quả", Douglas Barrie, nghiên cứu viên cấp cao về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết.
Theo các nhà phân tích, Không quân Pakistan nhiều khả năng đã sử dụng tên lửa tầm xa PL-15E do Trung Quốc sản xuất trong cuộc không chiến với chiến đấu cơ Ấn Độ.
Các bài đăng trên mạng xã hội hiện cũng tập trung vào hiệu suất của tên lửa không đối không PL-15 do Trung Quốc chế tạo so với Meteor, một tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar do tập đoàn MBDA của châu Âu sản xuất.
"PL-15 là một vấn đề lớn. Đây là thứ mà quân đội Mỹ rất chú ý", một giám đốc điều hành ngành công nghiệp quốc phòng nói.
Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/my-len-tieng-ve-nghi-van-pakistan-ban-roi-loat-chien-dau-co-an-do-a326304.html