Đuối nước khi tắm biển: "Dòng nước tử thần" không phải ai cũng biết

() - Những ngày gần đây, tại các bãi biển ở miền Trung ghi nhận nhiều trường hợp đuối nước thương tâm. Theo chuyên gia cứu hộ, "thủ phạm" thường gây đuối nước ở bãi biển là do các dòng chảy xa bờ.

Dấu hiệu nhận biết dòng chảy nguy hiểm

Nhiều địa phương trên cả nước đã vào mùa du lịch năm 2025, đặc biệt là học sinh, sinh viên chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè, cũng là thời điểm nắng nóng, người dân, du khách thường tìm đến các bãi biển, sông, suối vui chơi, tắm mát.

Theo thống kê sơ bộ, trong 5 ngày nghỉ lễ, đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn ở môi trường nước tại bãi biển, sông, suối của các địa phương như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Lâm Đồng… khiến nhiều người gặp tai nạn, tử vong, mất tích.

Đuối nước khi tắm biển: Dòng nước tử thần không phải ai cũng biết - 1

Lực lượng cứu hộ ở thành phố Tuy Hòa túc trực, phát hiện, ứng cứu người không may bị đuối nước khi tắm biển (Ảnh: Trung Thi).

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Ban Quản lý Dịch vụ công ích thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên (đơn vị quản lý bãi biển, tổ chức cứu hộ), cho biết trong đợt lễ 30/4 và 1/5, tại bãi biển thành phố đã ghi nhận 11 trường hợp bị sóng cuốn ra xa. May mắn, lực lượng cứu hộ và người dân đã kịp thời phát hiện, hỗ trợ nên không gây thiệt hại về người.

Theo lực lượng cứu hộ ở bãi biển thành phố Tuy Hòa, "thủ phạm" thường gây đuối nước ở các bãi biển là do dòng chảy xa bờ (hay còn gọi là dòng rip).

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, nhân viên cứu hộ tại bãi biển thành phố Tuy Hòa, cho biết các biển bãi ngang (biển không có vịnh lõm sâu vào đất liền hoặc đảo che chắn), người tắm cần chú ý vì tại đây thường có những dòng rip rình rập.

Khi sóng biển đánh vào bờ, nước dồn lên bãi cát rồi thoát trở lại biển. Thay vì trải đều, nước thường tìm một lối hẹp giữa các con sóng "bạc đầu" (có nhiều bọt màu trắng) để chảy ngược trở ra biển với tốc độ rất mạnh - đó chính là dòng rip.

"Nơi có dòng rip, nước thường tối màu, không có hoặc rất ít sóng. Dòng rip thường nằm ở giữa 2 bên có sóng "bạc đầu" với chiều dài 10-100m, rộng 10-30m, chảy nhanh ra khơi. Thoạt nhìn, nơi có dòng rip rất yên bình nhưng ở đây nguy hiểm vô cùng vì chẳng may bơi vào khu vực này rất dễ bị cuốn ra xa, mất tích", ông Sơn nói.

Đuối nước khi tắm biển: Dòng nước tử thần không phải ai cũng biết - 2

Theo lực lượng cứu hộ, nơi có dòng rip thường không có sóng (chéo đỏ), nước tối màu, chảy nhanh ra khơi (Ảnh: Trung Thi).

Ông Sơn lưu ý, khi không may gặp dòng rip, người dân, du khách không nên hoảng loạn, cần thả lỏng người để nước cuốn tự nhiên và bơi ra xa, không cố hết sức bơi ngược lại vì rất dễ đuối sức, mất tích. Khi thấy nước ngừng chảy, nếu còn sức, người gặp nạn hãy bơi vuông góc với dòng rip, tìm nơi có sóng để bơi vào sẽ thuận lợi hơn.

Còn theo ông Võ Hùng Quang (39 tuổi), người có 20 năm kinh nghiệm đi biển, khi gặp dòng rip cuốn ra xa, tốt nhất nên thả lỏng cơ thể, nằm ngửa mặt lên trời để giữ sức, chờ người ứng cứu.

"Đối với trường hợp không có người cứu, việc nằm thả lỏng cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định sẽ giúp lấy lại sức. Để sau đó, chúng ta đủ bình tĩnh, chọn dòng nước có sóng, bơi lại vào bờ", ông Quang chia sẻ.

Chọn vùng "an toàn", tránh nơi có biển cảnh báo

Tại bãi biển thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), các lực lượng chức năng chọn những khu vực không có dòng rip, sau đó thả dây thừng, phao 2 bên theo chiều dọc để người dân, du khách tắm biển được an toàn.

Ông Đàm Hải Vân, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Nha Trang, cho biết, ngoài làm các khu vực an toàn, lực lượng của đơn vị cũng thường đi dọc bãi biển, phát hiện, đánh dấu các vị trí có dòng rip bằng các biển báo nguy hiểm để người dân biết, không tắm ở nơi này.

Đuối nước khi tắm biển: Dòng nước tử thần không phải ai cũng biết - 3

Một khu vực cắm bảng cấm bơi lội ở bãi biển Nha Trang (Ảnh: Hiếu Giang).

Trưởng Ban Quản lý Vịnh Nha Trang khuyến cáo, người dân nên chọn các vùng "an toàn" để tắm, tránh nơi có biển cảnh báo nguy hiểm. Mặt khác, người dân không nên cố tình bơi khỏi khu vực được đánh dấu an toàn để tắm.

Ông Phan Văn Khoa cho biết, ở thành phố Tuy Hòa, đơn vị cũng thường cho cắm các biển cảnh báo nguy hiểm tại nơi có dòng rip.

Đội cứu hộ tại bãi biển thành phố Tuy Hòa, lưu ý nếu sóng to, tốt nhất người dân không nên tắm biển. Nếu muốn tắm nên trang bị áo phao, tắm gần bờ và chọn những khu vực có đội cứu hộ túc trực để kịp thời hỗ trợ trong những tình huống xấu.

Người dân cũng nên chú ý khi tắm biển vào thời điểm thủy triều rút mạnh. Vì trong khoảng thời gian này, nước biển rút rất nhanh và mạnh, kết hợp hiện tượng dòng chảy xa bờ khiến người tắm biển bị kéo ra xa, đuối nước.

Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/duoi-nuoc-khi-tam-bien-dong-nuoc-tu-than-khong-phai-ai-cung-biet-a325769.html