Nhà văn hóa Hữu Ngọc - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Thông tin từ gia đình cho biết
Cựu nhà báo Thomas Bo Pedersen (Đan Mạch) - thăm nhà văn hóa Hữu Ngọc, người mà ông rất ngưỡng mộ - Ảnh: T.ĐIỂU
Hơn 70 năm viết báo, dịch sách
Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh năm 1918 tại Hàng Gai, Hà Nội, quê gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông thông thạo ngôn ngữ Pháp, Anh, Đức, đọc hiểu chữ Hán. Cũng nhờ giỏi tiếng Anh mà ông đã "tình cờ làm cách mạng".
Trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ mấy năm trước ở tuổi 102, ông Hữu Ngọc cho biết mùa thu cách mạng năm 1945, ông vừa ngoài đôi mươi, đang dạy học trong Huế. Chàng trai trẻ lòng đầy hy vọng vào tương lai của dân tộc như bao trí thức cấp tiến cùng thời và cũng muốn được lao vào cơn gió thời đại mới.
Cuộc gặp bất ngờ với người bạn là thi sĩ Huy Cận tại Huế khi ông Huy Cận trong đoàn của Chính phủ cách mạng do ông Trần Huy Liệu dẫn đầu vào Huế nhận ấn, kiếm của vua Bảo Đại trao lại, đã đưa Hữu Ngọc sang một lối rẽ bất ngờ.
"Cậu phải ra ngay Hà Nội vì ở đó đang rất cần người biết tiếng Anh, đoàn của các nước thắng phát xít, đoàn của đồng minh sẽ tới Hà Nội, rất cần những người biết tiếng Anh".
Và Hữu Ngọc đã đến với cách mạng từ sự hối thúc và giới thiệu của bạn. Để rồi cả đời gắn bó với quê hương đất nước, đào bới trong kho tàng văn hóa của cha ông mà hiện lộ dần cái kho báu ấy ra, không chỉ với người Việt mà với quốc tế.
Sứ mệnh ấy được ông thực hiện trọn đời, bắt đầu từ vai trò tổng biên tập một tờ báo tiếng Pháp - tờ Tia sáng.
Năm đó Hữu Ngọc mới 26 - 27 tuổi, chưa bao giờ làm báo, nhất là báo tiếng Pháp.
Sau đó ông còn làm hai tờ tạp chí tiếng Pháp, Anh là tờ Le Vietnam Marches (Việt Nam tiến bước) và tờ Études Vietnamminnes (Nghiên cứu Việt Nam). Đặc biệt tạp chí thứ hai này do bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ở Pháp về làm chủ nhiệm nên tờ tạp chí rất có uy tín quốc tế suốt trong thời kỳ chống Mỹ.
Bắt đầu với công việc làm báo cách mạng, Hữu Ngọc tiếp tục viết trong suốt 70 năm ròng. Ông viết báo cho rất nhiều tờ báo trong và ngoài nước. Cũng từ những bài báo ông tập hợp theo chủ đề thành những cuốn sách đồ sộ. Ông đã xuất bản 34 cuốn sách trong cuộc đời mình, có những cuốn trên nghìn trang.
Ông viết sách bằng ba thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh, để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra ngoài thế giới và đưa văn hóa nước ngoài vào Việt Nam, giúp nhân dân ta theo kịp trào lưu thế giới khi đất nước bắt đầu mở cửa.
Ngoài viết sách ông còn dịch sách. Cuốn Truyện cổ Grime được Hữu Ngọc dịch trực tiếp từ tiếng Đức, ra đời cách đây hơn nửa thể kỷ, trở thành người bạn thân thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc (năm 2004), người bắc nhịp cầu văn hóa Việt Nam với thế giới trong thế kỷ 20 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
"Bản sắc" Hữu Ngọc và bộ sách viết ở tuổi 100
Điều đặc biệt là một người viết rất mẫu mực, cần mẫn, tận tâm và có vẻ kinh viện, nhưng những trang viết của ông hóa ra lại rất đời, chính vì vậy rất được công chúng yêu thích. Cái tươi rói của đời sống, của những tâm tình riêng chính là "bản sắc" trong viết lách của Hữu Ngọc.
Và điều này có được là do ông đã ròng rã đi và ở sâu mọi vùng văn hóa của đất nước trong suốt 20 năm ông làm chủ tịch 2 quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, quỹ Việt Nam - Đan Mạch, cùng với 30 chuyến xuất ngoại.
Không chỉ đóng góp ở những trang viết mà ông còn "xuất khẩu" văn hóa Việt Nam ra thế giới bằng trăm cuộc trò chuyện về văn hóa với người nước ngoài, từ những người bình thường đi du lịch, cho đến những chính khách lớn như vua và hoàng hậu Thụy Điển, Na Uy, thủ tướng Brazil, các giáo sư, sinh viên đại học…
Nhà văn hóa Hữu Ngọc và phu nhân trên bục danh dự nhận Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2017 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Sinh thời, khi trả lời Tuổi Trẻ về cuốn sách ông thích nhất của mình, ông nói có lẽ là mấy cuốn: Lãng du trong văn hóa Việt Nam (tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, trong đó cuốn sách tiếng Anh được giải vàng Sách Việt Nam, tiếng Pháp được giải Gadif của những đại sứ các nước nói tiếng Pháp ở Việt Nam, bản tiếng Việt là sách bán chạy).
Ông còn nhắc tới cuốn Việt Nam: Truyền thống và đổi thay xuất bản ở Mỹ và được tổ chức Chance của Mỹ xếp hạng 4 sao (hạng cao nhất) trong sách quốc tế. Toàn bộ các sách trên phát hành 2 vạn bản.
Với bộ sách Cảo thơm lần dở hai tập gần 1.000 trang mà ông cho ra mắt ở tuổi 102 (Nhà xuất bản Kim Đồng), ông nói đây là bộ sách ông viết trong 5 năm, từ khi 95 tuổi.
Hành trình viết bộ sách này với ông là "cuộc hành hương tìm về quá khứ, gõ cửa các danh nhân thế giới" để giúp ông tìm những giải đáp cho các câu hỏi siêu hình muôn thuở: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi về đâu?
Trong suốt cuộc đời lao động chữ nghĩa miệt mài của mình, Hữu Ngọc đã được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá:
• Hai Huân chương Độc lập
• Huân chương Chiến công
• Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Pháp)
• Huân chương Bắc Đẩu (Thụy Điển)
• Giải Mot d'or (Pháp)
• Giải vàng Sách Việt Nam 2006
• Giải đồng Sách Việt Nam 2015
• Giải thưởng quốc gia Sách Việt Nam 2017
• Giải GADIF 2008 của Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và các Tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam
• Giải nhất toàn quốc 2015 về Thông tin Đối ngoại
• Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái về Tình yêu Hà Nội 2017
Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/vinh-biet-nha-van-hoa-huu-ngoc-a325687.html