Từ ngày 21/4, các đơn vị kinh doanh trong tòa nhà "Hàm cá mập" chính thức ngừng hoạt động để bàn giao mặt bằng cho quận Hoàn Kiếm, chuẩn bị tháo dỡ. Theo kế hoạch, sau ngày 30/4, tòa nhà sẽ bị phá bỏ nhằm cải tạo quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, mở rộng không gian công cộng ven hồ Gươm.
Dự kiến khu vực này sẽ trở thành không gian mở rộng 1,2ha với ba tầng hầm, đồng thời di dời một số cơ quan hành chính để xây dựng công viên, tăng diện tích xanh và cải thiện cảnh quan phía Đông hồ.
Hành trình hồi sinh "Hàm cá mập"
Nhắc đến công trình này, kiến trúc sư Lê Quang Ngọc cho biết, Trung tâm thương mại quốc tế - tên gọi chính thức của "Hàm cá mập" - được thiết kế năm 1990, khởi công năm 1992.
"Khi ấy, Hà Nội vừa bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, các công trình mang phong cách hiện đại rất hiếm", ông Ngọc nói.
Chủ đầu tư kỳ vọng tạo dựng một biểu tượng kiến trúc "số một" cả về hình thức lẫn công năng. Tuy nhiên, tham vọng này nhanh chóng trở thành "con dao hai lưỡi".
Bản thiết kế ban đầu của "Hàm cá mập" (Ảnh tư liệu).
Tòa nhà ban đầu mang ý đồ hình khối số 1, tượng trưng cho địa chỉ "số 1 Đinh Tiên Hoàng". Thế nhưng, khối bê tông nặng nề, những đường nét thô ráp, cường điệu, cùng các yếu tố kiến trúc "ngoại lai" như tháp lầu phương Tây thô kệch, lan can bê tông ngẫu hứng... tạo nên một tổng thể lạc lõng giữa vẻ thanh lịch, mềm mại của hồ Gươm.
"Khi phần thô vừa hoàn thành, công trình vấp phải sự phản đối dữ dội từ dư luận, giới trí thức và cả chủ đầu tư", vị kiến trúc sư cho hay.
Trước sự thất bại đó, chủ đầu tư buộc phải đình chỉ thi công, đồng thời khởi kiện đơn vị thiết kế. Hội Kiến trúc sư Việt Nam vào cuộc và mời kiến trúc sư Lê Quang Ngọc thiết kế lại toàn bộ dự án.
Bản thiết kế của kiến trúc sư Lê Quang Ngọc (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Nhận thấy thiết kế "số 1" ban đầu quá nhỏ, không đủ diện tích để phát triển thành trung tâm thương mại, ông Ngọc đề xuất hợp khối với hai căn nhà liền kề (số 3 và 5 Đinh Tiên Hoàng).
Bên cạnh đó, ông sử dụng kính trong suốt cho mặt đứng, mở rộng tầm nhìn, tạo cảm giác thoáng đãng, hiện đại và kết nối hài hòa với không gian hồ. Phần mái được thiết kế hình đĩa bay - biểu tượng của tinh thần đổi mới - với những đường cong mềm mại, loại bỏ hoàn toàn các góc nhọn cứng nhắc.
"Trong quá trình thi công, nhà thầu đã tự ý giữ lại hai tầng có góc cong nhọn không đúng thiết kế", ông Ngọc cho biết.
Dù vậy, vì điều kiện khó khăn lúc bấy giờ, ông Ngọc miễn cưỡng chấp nhận thay đổi này để công trình nhanh chóng hoàn thành.
Về cái tên "Hàm cá mập", ông Ngọc kể, ban đầu mái công trình dự kiến có màu vàng, kính trong suốt, lan can bằng kính. Nhưng vì cắt giảm chi phí, mái được thay bằng ngói đen Bát Tràng, kính đắt tiền đổi thành kính đen Trung Quốc, lan can kính thay bằng sắt uốn mô phỏng cầu Long Biên. Công trình trở nên tối sầm, khác xa thiết kế gốc.
Cùng lúc, Đài Truyền hình Hà Nội phát sóng bộ phim "Hàm cá mập", khiến người dân liên tưởng và đặt biệt danh này cho tòa nhà. Cái tên lan rộng tới mức báo chí vào cuộc, buộc chủ đầu tư phải giải trình.
Sau cùng, thiết kế gốc được khôi phục phần nào với màu trắng, nhưng biệt danh "Hàm cá mập" đã ăn sâu vào tâm trí người dân.
Cơ hội vàng để kiến tạo lại không gian công cộng
Sau khi hoàn thiện, tòa nhà hoạt động đúng công năng là trung tâm thương mại, thu hút nhiều thương hiệu quốc tế. Nhưng theo thời gian, nhận thấy kinh doanh ẩm thực, cà phê mang lại lợi nhuận cao hơn, công trình dần biến thành tổ hợp giải trí, cà phê như ngày nay.
Hình ảnh "Hàm cá mập" khi hoàn thiện đưa vào sử dụng (Ảnh: Phong Vũ).
Nghe tin "Hàm cá mập" sắp bị tháo dỡ, kiến trúc sư Lê Quang Ngọc không khỏi xúc động. Với ông, đây không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là chứng nhân lịch sử của Hà Nội suốt hàng chục năm. Quảng trường trước tòa nhà từng là nơi tụ hội hàng triệu người trong những dịp lễ hội, lưu giữ biết bao ký ức tập thể của thành phố.
Ông Ngọc cho biết, trước khi "Hàm cá mập" chính thức tháo dỡ, dư luận chia thành ba luồng ý kiến. Những người tiếc nuối, coi đây là biểu tượng ký ức của thời kỳ đầu đổi mới, gắn với đời sống thị dân Hà Nội thập niên 1990-2000.
Cũng không ít người phản biện, cho rằng công trình này chưa từng phù hợp với hồ Gươm, cần dỡ bỏ để trả lại sự hài hòa.
Những người trung lập thì hy vọng khoảng trống để lại sẽ trở thành cơ hội quy hoạch không gian sâu sắc hơn, thay vì vội vã lấp đầy bằng một biểu tượng mới.
Kiến trúc sư Lê Quang Ngọc (Ảnh: Phong Vũ).
"Lần quy hoạch này là cơ hội vàng để Hà Nội kiến tạo một không gian công cộng thực sự", ông Ngọc nhận định.
Ông nhấn mạnh ba điểm then chốt: Trả lại đất cho dân bằng cách chuyển đổi trụ sở hành chính thành công viên; Phát triển không gian ngầm tích hợp giá trị văn hóa như bảo tàng dưới lòng đất, thay vì chỉ làm hầm kỹ thuật; Mọi chi tiết quy hoạch phải mang thông điệp văn hóa - nhân văn, từ mỗi viên gạch đến hàng cây.
Theo ông, hồ Gươm là di sản vô giá, bởi nó không phải của riêng Hà Nội, là của hồn Việt và hồn Việt thì không được phép quy hoạch vội vàng, ngắn hạn, hay thỏa hiệp.
Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/kien-truc-su-le-quang-ngoc-tiet-lo-chuyen-it-biet-ve-ham-ca-map-a325028.html