Mỹ đã viện trợ số lượng lớn vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát (Ảnh: Reuters).
Chính quyền Ukraine đang chuẩn bị tinh thần cho một "kịch bản xấu nhất" trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt toàn bộ sự hỗ trợ từ Washington, báo Bild (Đức) dẫn nguồn tin ẩn danh từ nội bộ chính phủ Ukraine, cho hay.
Ông Trump được cho là đã gia tăng áp lực buộc Kiev nhanh chóng chấp nhận "đề xuất cuối cùng" của Washington nhằm giải quyết xung đột. Ông cũng đã cảnh báo rằng nếu các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev rơi vào bế tắc, Mỹ có thể "rút lui" khỏi vai trò trung gian hòa giải.
"Những gì được ghi trên giấy tờ và những tín hiệu chúng tôi nhận được trong đàm phán là không thể chấp nhận được", Bild dẫn lời một nhà ngoại giao Ukraine cho biết hôm 24/4.
"Chúng tôi đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất… và điều đó đồng nghĩa với việc chấm dứt hỗ trợ từ Mỹ", một quan chức cấp cao giấu tên khác tiết lộ.
Tổng thống Trump đang thúc đẩy một giải pháp cho xung đột, đồng thời theo đuổi một thỏa thuận khai thác khoáng sản với Ukraine nhằm bù đắp phần nào hàng tỷ USD mà Washington đã chi cho viện trợ quân sự và tài chính.
Sau cuộc tranh cãi công khai với Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hồi tháng 2, ông Trump đã tạm dừng cung cấp vũ khí và chia sẻ tình báo với Kiev.
Hôm 23/4, ông Trump một lần nữa chỉ trích ông Zelensky là "khó đối phó hơn cả Tổng thống Nga Vladimir Putin". Nhận định này được đưa ra sau khi ông Zelensky bác bỏ một điều khoản then chốt trong đề xuất hòa bình của Mỹ, tuyên bố rằng Kiev sẽ không thảo luận việc công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga.
Theo Bild, một số quan chức tại Kiev vẫn hy vọng rằng những chỉ trích mang tính cá nhân của ông Trump với ông Zelensky chỉ là "chiến thuật đàm phán".
"Chúng tôi hy vọng đó chỉ là cách ông Trump gây áp lực", một nguồn tin từ chính phủ Ukraine cho biết.
Bild cho biết Kiev đang cố gắng đàm phán lại với Washington, đồng thời tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ châu Âu.
Ông Zelensky hồi đầu tuần cho biết Ukraine vẫn đang nhận được số vũ khí từng được chính quyền tiền nhiệm của Mỹ cam kết, nhưng không có gói viện trợ mới nào được phê duyệt kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Những lời kêu gọi gần đây của ông Zelensky về việc cung cấp thêm các hệ thống phòng không Patriot và tên lửa cũng không nhận được phản hồi.
Về phần mình, Moscow khẳng định vẫn sẵn sàng đàm phán hòa bình nếu các yêu cầu an ninh cốt lõi của họ được đáp ứng. Nga phản đối sự hiện diện của NATO trên lãnh thổ Ukraine và yêu cầu Kiev công nhận biên giới mới của Nga, đồng thời từ bỏ ý định gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Moscow nhiều lần lên án việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này chỉ làm suy yếu triển vọng hòa bình lâu dài.
Chính phủ Nga cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận việc "đóng băng" xung đột một cách tạm thời - điều mà họ cho rằng sẽ chỉ dẫn đến các cuộc giao tranh mới trong tương lai.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng Ukraine sẽ phải chấp nhận những nhượng bộ nhất định nếu muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình với Nga. Trong cuộc phỏng vấn với kênh Euronews hôm 24/4, ông Duda nhấn mạnh rằng một nền hòa bình bền vững chỉ có thể được xây dựng dựa trên các sự nhượng bộ từ cả hai phía.
Ba Lan từ lâu được xem là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Kiev trong cuộc xung đột với Moscow. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk thậm chí đã nhiều lần lên tiếng phản đối bất kỳ thỏa thuận nào yêu cầu Ukraine phải nhường lãnh thổ.
"Tôi cho rằng cần có sự thỏa hiệp, theo quan điểm cá nhân của tôi. Mỗi bên sẽ phải nhường nhịn ở một mức độ nào đó. Ukraine cũng sẽ phải nhượng bộ phần nào, bởi đó có lẽ là điều tất yếu sẽ xảy ra", ông Duda phát biểu.
Tổng thống Duda cho rằng chỉ có Tổng thống Mỹ Donald Trump mới có thể đóng vai trò trung gian hiệu quả để chấm dứt cuộc xung đột.
Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/bao-duc-ukraine-nin-tho-chuan-bi-cho-kich-ban-xau-nhat-tu-my-a324637.html