Giáo hoàng Francis (Ảnh: Reuters).
Giáo hoàng Francis, Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo La Mã, người dẫn dắt nhánh lớn nhất của Kitô giáo, đã qua đời ngày 21/4 ở tuổi 88.
Theo tiểu sử chính thức của Giáo hoàng trên website của Vatican, Giáo hoàng Francis, tên thật là Jorge Mario Bergoglio, là vị Giáo hoàng người Argentina đầu tiên trong lịch sử. Giáo hoàng Francis được xem là một trong những giáo hoàng dễ gần nhất mọi thời đại. Ông quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề công lý xã hội và vấn đề thực dụng hơn là giáo điều.
Thông báo tin buồn
Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, Vatican sẽ khởi động một loạt thủ tục thiêng liêng, theo quy trình đã được Tòa thánh thiết lập từ lâu, đánh dấu sự kết thúc của một triều đại giáo hoàng và sự khởi đầu của triều đại tiếp theo.
Việc Hồng y Kevin Farrell chính thức xác nhận việc Giáo hoàng Francis qua đời là bước đầu tiên trong nghi lễ. Sau thông báo này, Hồng y Farrel sẽ niêm phong căn hộ riêng của Giáo hoàng và chuẩn bị tang lễ.
Theo thông lệ, thi hài của Giáo hoàng sẽ được chuyển đến nhà nguyện riêng. Tại đây, thi hài sẽ được mặc áo dòng trắng và đặt trong quan tài gỗ lót kẽm. Vatican quy định mũ mitra và dây pallium của Giáo hoàng sẽ được đặt sang một bên, trong khi thi hài tiếp tục được khoác lên áo lễ màu đỏ, theo đúng tập tục.
Tiếp đó, một Hồng y và 3 trợ lý sẽ được chọn bằng cách rút thăm để quyết định thời điểm quan tài của Giáo hoàng sẽ được đưa vào Vương cung thánh đường St. Peter để công chúng tới viếng. Họ cũng đảm bảo rằng "Chiếc nhẫn ngư phủ" và con dấu chì của Giáo hoàng bị phá vỡ để không ai khác có thể sử dụng.
Đây là chiếc nhẫn tượng trưng cho quyền lực và quyền cai trị, được đặt làm riêng cho từng giáo hoàng. Theo truyền thống, Hồng y Nhiếp chính sẽ thực hiện nghi lễ này bằng cách dùng một chiếc búa đặc biệt nghiền nát chiếc nhẫn nhằm ngăn nó bị sử dụng sai mục đích, đồng thời xác nhận một cách trực quan rằng triều đại giáo hoàng đã khép lại.
Nó mang tên của Giáo hoàng và bị phá hủy sau khi ông qua đời. Một cái tên mới sẽ được tạo ra khi giáo hoàng tiếp theo được bầu.
Tang lễ trong 9 ngày
Hiện thời gian bắt đầu tổ chức lễ tang của Giáo hoàng Francis chưa được công bố.
Nhưng theo truyền thống, Giáo hoàng Francis sẽ được để tang trong 9 ngày. Trong đó có các nghi lễ kéo dài nhiều ngày và lễ viếng thi hài của Giáo hoàng, cho phép những người đưa tang từ khắp nơi trên thế giới đến viếng Giáo hoàng trước khi được an táng.
Giáo hoàng Francis chủ trì tang lễ của cố Giáo hoàng Benedict XVI tại Vatican vào năm 2023 (Ảnh: NYT).
Lễ tang do người đứng đầu của Hồng y đoàn chủ trì. Người đứng đầu Hồng y đoàn hiện tại là Hồng y người Italy Giovanni Battista Re, 91 tuổi. Cấp phó là Hồng y người Argentina Leonardo Sandri, 81 tuổi.
Trong lễ tang, theo thông lệ, quan tài sẽ được niêm phong sau khi người ta đặt một tấm vải lụa trắng lên mặt Giáo hoàng, cử chỉ tượng trưng cho việc chuyển tiếp sang trạng thái an nghỉ vĩnh hằng.
Lễ tang của Giáo hoàng Francis dự kiến sẽ diễn ra tại quảng trường St. Peter, nơi an nghỉ của hầu hết những người tiền nhiệm của ông. Tuy nhiên, theo di nguyện, Giáo hoàng Francis sẽ trở thành người đầu tiên được an nghỉ bên ngoài Vatican sau hơn 100 năm. Giáo hoàng Francis chọn sẽ được chôn cất tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Maria ở Rome, Italy. Lựa chọn này thể hiện lòng tôn kính đối với biểu tượng của Đức mẹ Maria được đặt tại đó.
Trong lịch sử, các giáo hoàng được chôn cất trong 3 chiếc quan tài lồng vào nhau làm bằng gỗ bách, kẽm và cây du. Tuy nhiên, vào năm 2024, Giáo hoàng Francis đã đơn giản hóa các thủ tục cho một đám tang của giáo hoàng, chỉ sử dụng một chiếc quan tài gỗ lót kẽm.
Và cũng khác với truyền thống, thi hài Giáo hoàng sẽ không được đặt trên một bục cao hay nhà táng mà có thể vẫn nằm trong quan tài. Công chúng có thể tới ngắm nhìn và từ biệt ông lần cuối. Điều này phù hợp với quan điểm đề cao những điều đơn giản của Giáo hoàng Francis và việc ông không thích những nghi lễ quá cầu kỳ.
Nhiều nhà lãnh đạo quốc tế dự kiến sẽ đến tham dự tang lễ.
Mật nghị bầu giáo hoàng mới
Khi giáo hoàng qua đời, Vatican sẽ phải nhanh chóng lựa chọn người kế nhiệm.
Theo truyền thống, tất cả 252 hồng y trên toàn cầu đều nhận được lời mời đến Rome sau khi Giáo hoàng qua đời để dự tang lễ và bầu Giáo hoàng mới. Khoảng 2-3 tuần sau tang lễ, Hồng y đoàn sẽ triệu tập mật nghị hồng y tại Nhà nguyện Sistina để bầu giáo hoàng mới.
Các hồng y, bị giới hạn di chuyển trong Vatican trong suốt thời gian diễn ra mật nghị, sẽ quyết định ngày chính xác.
Vào ngày bỏ phiếu, Nhà nguyện Sistina sẽ bị phong tỏa. Các hồng y phải tuyên thệ giữ bí mật. Chỉ những hồng y dưới 80 tuổi được phép bỏ phiếu, do đó, khoảng 120 người sẽ bỏ phiếu kín để bầu ra giáo hoàng mới.
Quá trình cũng gồm nhiều vòng bỏ phiếu. Nếu không có ứng viên nào nhận được 2/3 số phiếu cần thiết trong một vòng, các lá phiếu sẽ được thu lại và đốt.
Khi mật nghị chọn ra một giáo hoàng mới, các hồng y sẽ hỏi liệu tân giáo hoàng có chấp nhận không và muốn lấy tông hiệu là gì. Sau khi hoàn tất, ông sẽ mặc lễ phục giáo hoàng tuyên thệ trong Nhà nguyện Sistine.
Thế giới sẽ biết Vatican có giáo hoàng mới khi một viên chức đốt các lá phiếu giấy bằng hóa chất đặc biệt để tạo ra khói bốc ra từ ống khói của nhà nguyện. Khói đen báo hiệu chưa có quyết định nào được đưa ra, khói trắng báo hiệu đã bầu được giáo hoàng mới.
Ngay sau đó, đại diện Hồng y đoàn bước lên ban công trung tâm của Vương cung thánh đường St. Peter để thông báo với đám đông trên quảng trường. Sau đó, giáo hoàng mới xuất hiện trong trang phục giáo hoàng và ban phước lành cho người dân.
Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/le-tang-giao-hoang-francis-se-dien-ra-the-nao-a324169.html