Lính Nga khai hỏa về phía vị trí của lực lượng Ukraine (Ảnh: Sputnik).
"Chúng ta có một vài năm để chuẩn bị cho khả năng tấn công toàn diện của Nga trên biên giới của NATO", Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna nói trong cuộc phỏng vấn với France24 hôm 18/4.
Tương tự các quốc gia Baltic khác, Estonia là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, kêu gọi cung cấp thêm vũ khí cho Kiev và tăng cường áp lực trừng phạt đối với Moscow.
Estonia, một quốc gia thành viên NATO, đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá gần 500 triệu euro, tương đương hơn 1,4% GDP của nước này, cho Kiev kể từ tháng 2/2022 khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Estonia, Latvia và Lithuania cũng được cho là nằm trong số 6 quốc gia ủng hộ động thái của Anh và Pháp nhằm triển khai "lực lượng trấn an" của phương Tây tới Ukraine sau khi xung đột kết thúc.
"Tôi là bộ trưởng quốc phòng Estonia vào năm 2016 và 2017, và tôi đã thấy bên kia biên giới của chúng tôi, biên giới NATO và Liên minh châu Âu, 120.000 quân sẵn sàng lên đường trong vòng 48 giờ từ phía Nga", ông Tsahkna nói.
"Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn khá vắng vẻ ở bên kia biên giới của chúng tôi từ phía Nga, vì Nga đang hiện diện ở Ukraine. Mặc dù vậy, những gì chúng tôi thấy là Nga đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng quân sự, thậm chí ở quy mô lớn hơn so với trước đây", nhà ngoại giao Estonia giải thích.
Theo Ngoại trưởng Tsahkna, Moscow có "một kế hoạch di dời quân, thậm chí có thể ở quy mô lớn nhất trong tương lai đến phía bên kia của tất cả các khu vực biên giới".
"Nhưng chúng tôi không nói về biên giới Estonia, chúng tôi đang nói về NATO", ông Tsahkna cho biết thêm.
Ông Tsahkna cho rằng "nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn thử thách NATO ở khu vực của chúng ta, tôi nghĩ rằng cái giá phải trả cho ông ấy sẽ rất đắt" do quân đội của khối này được triển khai thường trực tại các quốc gia vùng Baltic, các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây và việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vào các năm 2023 và 2024.
Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS ngày 15/4, Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga Sergey Naryshkin nhấn mạnh, bất kỳ hành động nào của NATO chống lại Nga hoặc Belarus đều sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Ba Lan và các nước vùng Baltic là Latvia, Lithuania và Estonia.
Hôm 18/3, Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan đã tuyên bố rút khỏi Công ước Ottawa, một hiệp ước quốc tế cấm sử dụng, sản xuất và tích trữ mìn sát thương, với lý do an ninh trong khu vực "đã suy giảm nghiêm trọng". Bộ trưởng quốc phòng của 4 nước này cho biết các mối đe dọa quân sự từ Nga và Belarus đã "gia tăng đáng kể".
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh tình báo Đan Mạch và Đức cảnh báo NATO nên chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga trong vòng năm năm nữa.
Một số nước thành viên NATO đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xung đột. Ba Lan có kế hoạch huấn luyện mọi nam giới trưởng thành cho kịch bản chiến tranh, trong khi Na Uy khôi phục các boongke quân sự cũ, Đức giải ngân hàng tỷ USD để tăng chi tiêu quốc phòng. Một số nước đã phát hành cẩm nang hướng dẫn người dân các biện pháp sinh tồn trong các tình huống khẩn cấp như chiến tranh, thiên tai.
Kịch bản Nga tấn công NATO càng đáng chú ý hơn trong bối cảnh Mỹ, quốc gia dẫn dắt NATO, tỏ ra hoài nghi về mối quan hệ với liên minh quân sự này. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cảnh báo rút khỏi NATO và tuyên bố Washington sẽ không bảo vệ thành viên NATO nào không đáp ứng yêu cầu về chi tiêu quốc phòng theo quy định của khối.
Về phía Nga, giới chức nước này nhiều lần bác bỏ cáo buộc có kế hoạch tấn công NATO sau chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/quoc-gia-thanh-vien-nato-canh-bao-nguy-co-nga-dong-binh-a324066.html