Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, tham vọng cạnh tranh trực tiếp với Nga

() - Ấn Độ đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu vũ khí, nhắm đến các quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á, phần lớn trong số này đều có lịch sử mua vũ khí từ Nga.

Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, tham vọng cạnh tranh trực tiếp với Nga - 1

Tên lửa "Akash" của Ấn Độ, được gắn trên xe tải, xuất hiện trong cuộc diễu hành Ngày Cộng hòa tại New Delhi, ngày 26/1/2020 (Ảnh: Reuters).

Nỗ lực của Thủ tướng Narendra Modi nhằm biến Ấn Độ thành "công xưởng toàn cầu" đã cho ra đời lượng iPhone giá rẻ và dược phẩm trị giá hàng tỷ USD. Giờ đây, ông hy vọng có thể đưa thêm tên lửa, trực thăng và tàu chiến vào "giỏ hàng" của các chính phủ nước ngoài. 

Là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới chỉ sau Ukraine, Ấn Độ đang mở rộng năng lực của Ngân hàng Xuất nhập khẩu nhà nước (EXIM) nhằm cung cấp các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp cho khách hàng nước ngoài, bao gồm cả những quốc gia khó tiếp cận nguồn vốn vay thông thường do có mức độ rủi ro chính trị hoặc tín dụng cao. Thông tin này được tiết lộ bởi 2 quan chức Ấn Độ và 3 nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng.

"Ấn Độ đang tiến tới mục tiêu tăng xuất khẩu quốc phòng", Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh viết trên mạng xã hội X vào tháng này.

Thị trường New Delhi hướng đến là các quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á.

Theo 3 quan chức quốc phòng Ấn Độ, từ nay đến tháng 3/2026, nước này sẽ cử ít nhất 20 tùy viên quốc phòng mới đến các đại sứ quán ở nước ngoài. Các quốc gia tiếp nhận bao gồm Algeria, Morocco, Guyana, Tanzania, Argentina, Ethiopia và Campuchia. Đây là những thị trường mà New Delhi tin rằng có tiềm năng lớn để mở rộng xuất khẩu khí tài.

Các tùy viên quốc phòng sẽ đóng vai trò quảng bá ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, đồng thời được cấp nguồn lực để phân tích nhu cầu vũ khí của nước sở tại, qua đó xây dựng chiến lược tiếp cận phù hợp.

Phần lớn các quốc gia mục tiêu đều có lịch sử mua vũ khí từ Liên Xô và Nga, vốn khác biệt so với các tiêu chuẩn của NATO được nhiều nhà sản xuất phương Tây áp dụng.

Các kế hoạch này đánh dấu bước đi chưa từng có của Ấn Độ trong việc chủ động tham gia tuyển chọn và hỗ trợ tài chính cho khách hàng nước ngoài, trong bối cảnh thế giới đang tái vũ trang và trật tự địa chính trị toàn cầu đang được định hình lại.

Theo tiết lộ từ 4 quan chức, New Delhi đã bắt đầu làm trung gian sắp xếp cuộc gặp giữa các phái đoàn nước ngoài đến thăm và các nhà thầu quốc phòng trong nước, đồng thời trình diễn các thiết bị tinh vi hơn như trực thăng chiến đấu trong các cuộc tập trận quân sự.

Ông Viraj Solanki, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London (Anh), nhận định, Ấn Độ đang đối mặt với nhiều khó khăn khi chào bán các loại vũ khí và thiết bị hiện đại mới nhất ra thế giới.

"Nếu không thường xuyên sử dụng và chứng minh hiệu quả của các khí tài do mình tự sản xuất, Ấn Độ sẽ khó thuyết phục được các khách hàng tiềm năng," ông Solanki nói.

Tiềm năng của Ấn Độ

Từ lâu, các quan chức Ấn Độ đã tập trung chủ yếu vào việc mua máy bay chiến đấu từ Sukhoi (Nga) hay pháo từ Mỹ để đối trọng với Trung Quốc và Pakistan, hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Dù Ấn Độ đã có ngành công nghiệp sản xuất vũ khí quy mô nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân nước này chỉ mới bắt đầu sản xuất đạn dược và trang thiết bị công nghệ cao trong những năm gần đây.

Một bước ngoặt quan trọng là cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022. Theo một quan chức Ấn Độ chịu trách nhiệm thúc đẩy xuất khẩu vũ khí, khi phương Tây đổ kho vũ khí dự phòng cho Kiev và các nhà máy Nga dồn toàn lực phục vụ chiến sự, nhiều quốc gia từng lệ thuộc vào Washington hay Moscow - hai nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - buộc phải tìm kiếm nguồn cung thay thế. 

Trong bối cảnh đó, Ấn Độ - quốc gia vốn có kinh nghiệm mua sắm và tiếp thu công nghệ vũ khí từ Nga và phương Tây - bắt đầu nhận được nhiều lời đề nghị hơn. 

Theo hai nguồn tin, Ấn Độ có thể sản xuất đạn pháo 155mm với giá chỉ từ 300-400 USD/quả, trong khi sản phẩm tương đương của châu Âu có giá trên 3.000 USD. Một nguồn tin khác cho biết, các công ty Ấn Độ từng bán lựu pháo với giá khoảng 3 triệu USD/khẩu, chỉ bằng một nửa so với sản phẩm tương tự của châu Âu.

Dữ liệu chính phủ cho thấy, trong tài khóa 2023-2024, Ấn Độ sản xuất lượng vũ khí trị giá 14,8 tỷ USD, tăng 62% so với năm 2020. 

Chính phủ của ông Modi đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự lên 6 tỷ USD vào năm 2029. Ấn Độ hy vọng doanh số sẽ vượt ra ngoài đạn dược, vũ khí hạng nhẹ và linh kiện quốc phòng - những mặt hàng đang chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu quốc phòng của nước này.

Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/an-do-day-manh-xuat-khau-vu-khi-tham-vong-canh-tranh-truc-tiep-voi-nga-a323987.html