Cáp quang ngầm và cuộc đua quyền lực dưới các vùng biển khắp thế giới

() - Khi cách mạng công nghệ này ngày càng lan rộng và internet định hình gần như mọi khía cạnh của đời sống, mạng lưới cáp quang dưới biển trở thành "chiến trường" cho cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.

Cáp quang ngầm và cuộc đua quyền lực dưới các vùng biển khắp thế giới - 1

Cáp quang dưới đáy đại dương có thể truyền tải lượng dữ liệu khổng lồ ở tốc độ cao (Ảnh minh họa: ACK3).

Vào ngày trước lễ Giáng sinh năm 2024, một tàu chở dầu thuộc "hạm đội bóng ma" của Nga bị cáo buộc đã kéo neo hơn 150km dưới đáy biển Baltic, làm hư hại các cáp internet và đường dây điện Estlink-2 nối Phần Lan với Estonia.

Một tháng trước đó, một tàu chở hàng Trung Quốc cũng bị nghi làm hư hại các tuyến cáp internet ở biển Baltic.

Đến tháng 1/2025, kịch bản này lặp lại ở phía đông bắc Đài Loan, khi một tàu hàng gây hư hại cho tuyến cáp Trans-Pacific Express, nối Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Các tai nạn hàng hải vẫn xảy ra. Cá mập, cá heo, và đôi khi là những thủy thủ bất cẩn từ lâu đã gây gián đoạn các tuyến cáp thông tin dưới đáy biển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, và thậm chí chỉ trong vài tháng, các vụ gián đoạn như vậy đang gia tăng đột biến - ở biển Baltic, Biển Đỏ và những nơi khác.

Vậy điều gì đang gây ra làn sóng xung đột dưới biển này, và nó báo hiệu điều gì cho tương lai của quan hệ quốc tế?

Theo phần lớn các chuyên gia, nguyên nhân gốc rễ của "cuộc chiến" cáp quang ngầm là cuộc cách mạng thông tin. Khi làn sóng công nghệ này ngày càng lan rộng, internet đang ngày càng định hình gần như mọi khía cạnh của đời sống. Và 95% lưu lượng internet toàn cầu chạy qua các tuyến cáp quang dưới biển, phần lớn nằm ngoài phạm vi kiểm soát của các quốc gia, điều này vừa thúc đẩy sự bùng nổ xây dựng cáp, vừa làm gia tăng căng thẳng địa chính trị.

Có nhiều lý do khiến lưu lượng internet chủ yếu chạy dưới biển. Quan trọng nhất, truyền dữ liệu qua cáp biển rẻ hơn và hiệu quả hơn so với truyền qua không gian - vốn đòi hỏi vệ tinh đắt tiền hơn nhiều so với cáp quang.

Ở các vùng biển quốc tế - nơi chiếm phần lớn lưu lượng internet - việc truyền dữ liệu qua cáp cũng hầu như không bị điều chỉnh, cho phép các nhà khai thác linh hoạt thích ứng với nhu cầu thay đổi cùng với sự phát triển công nghệ. Vì vậy, truyền dữ liệu qua biển cực kỳ phù hợp với thế giới dịch vụ xuyên quốc gia đang thay đổi chóng mặt.

Mạng lưới cáp thông tin - những "động mạch" truyền tải phần lớn thông tin toàn cầu với tốc độ ánh sáng - hiện gồm khoảng 400 tuyến cáp lớn dưới biển, kéo dài tổng cộng khoảng 1,6 triệu km, chủ yếu nối Mỹ với châu Âu và Đông Bắc Á, phần lớn nằm ở vùng biển quốc tế.

Các nhánh nhỏ hơn nối châu Âu với châu Á qua Ấn Độ Dương, và các tuyến ít được biết đến hơn nối đến châu Mỹ Latinh, châu Phi và các khu vực khác. Gần như toàn bộ mạng lưới phức tạp này nằm dưới biển, trong đó nhiều đoạn đang được mở rộng nhanh chóng tại các khu vực cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giao thông cáp ngầm dưới biển giờ đây vừa ngày càng quan trọng về mặt kinh tế đối với các xã hội phát triển, nhưng lại rất dễ bị gián đoạn. Giá trị kinh tế và địa chính trị của nó dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa các cường quốc hàng đầu. Đồng thời, sự mong manh của mạng lưới này cũng thu hút các thế lực đang muốn thách thức các cường quốc theo cách phi đối xứng.

Trong thập niên qua, "cuộc chiến" cáp ngầm đã gia tăng mạnh mẽ, khi có thêm yếu tố địa chính trị, với 5 nguyên nhân chính.

Nguyên nhân đầu tiên là việc Trung Quốc mở rộng mạnh mẽ mạng lưới cáp của mình, tập trung ở Thái Bình Dương và các nước đang phát triển kéo dài từ Ấn Độ Dương sang châu Âu và châu Phi. Các dự án xây dựng cáp của Bắc Kinh được trợ giá đáng kể, nhắm vào việc kết nối với các nước có hạ tầng thông tin yếu - những nơi Trung Quốc có lợi ích chiến lược trực tiếp.

Nguyên nhân thứ hai cũng mang tính địa chiến lược - là phản ứng của Mỹ trước việc Trung Quốc mở rộng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bằng cả công cụ pháp lý và hạ tầng. Đầu tiên là việc Mỹ bác bỏ tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương do Trung Quốc đề xuất nối Mỹ với Hong Kong vào năm 2024.

Sau đó, Mỹ phối hợp với Nhật Bản khởi động một tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương thay thế, kết nối Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines và Singapore, thông qua đảo Palau.

Mỹ cũng thúc đẩy tuyến cáp Sea-We-6 đi từ Singapore về phía tây, cạnh tranh trực tiếp với tuyến cáp Peace của Trung Quốc - từ Gwadar (Pakistan), qua Biển Đỏ, Địa Trung Hải, đến Marseille (Pháp).

Như vậy, song song với việc ngăn cản các tuyến cáp của Trung Quốc bằng ngoại giao, Mỹ cũng tái gia nhập cuộc đua đặt cáp biển, được thúc đẩy bởi cạnh tranh địa chính trị. Trong các dự án liên quan, Mỹ và Trung Quốc đã cạnh tranh khốc liệt để kết nối Đông Á với châu Âu và châu Phi theo các cấu hình có lợi cho mình.

Ba nguyên nhân còn lại của cuộc chiến cáp ngầm Á - Âu đều bắt nguồn từ xung đột địa chính trị tại các khu vực then chốt.

Cáp quang ngầm và cuộc đua quyền lực dưới các vùng biển khắp thế giới - 2

Các cáp ngầm dưới biển gần Yemen (Ảnh: Submarine Cable Map).

Nổi bật nhất là cuộc chiến ở Ukraine, khi Nga mở chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Khi xung đột leo thang, với các đợt không kích từ Nga ngày càng dữ dội - đồng thời phương Tây cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine, phương Tây cáo buộc Nga dường như đã chọn cách thức phi đối xứng dưới đáy biển, bằng cách nhắm vào các cáp ngầm, như một biện pháp đáp trả chi phí thấp nhưng hiệu quả cao.

Việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO năm 2023, cùng với mối liên kết cơ sở hạ tầng ngày càng sâu giữa các nước Bắc Âu và các nước cộng hòa vùng Baltic (thuộc Liên Xô cũ), đã tạo thêm động lực địa chính trị cho Nga để ý tới hạ tầng khu vực Baltic.

Điểm nóng thứ ba ở Á - Âu, nơi chiến tranh cáp ngầm đã bùng phát và có xu hướng gia tăng, là eo biển Đài Loan. Các sự cố cáp ngầm đã xảy ra trong khu vực này.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là mặt trận chính trong cuộc cạnh tranh giữa hai nhân vật chính trong cuộc cạnh tranh cáp ngầm - Mỹ và Trung Quốc - với nhiều điểm nóng tiềm năng dễ dẫn đến đối đầu.

Các tuyến hàng hải từ kênh đào Suez đến Thượng Hải có nhiều điểm nghẽn dễ bị phá hoại - vì cơ sở hạ tầng yếu hơn so với các nước G7, trong khi căng thẳng địa chính trị cao và các quốc gia ven biển thiếu khả năng đối phó.

Ngoài Đài Loan, các điểm nghẽn như eo biển Malacca - nơi từng là điểm nóng cướp biển - và khu vực quanh các căn cứ Mỹ như Diego Garcia là nơi dễ xảy ra tranh chấp về xây dựng hạ tầng, giám sát và can thiệp vào cáp.

Tình trạng của các trạm tiếp đất và trung tâm dữ liệu tại các nước như Sri Lanka cũng sẽ là điểm gây tranh cãi, nhất là khi Mỹ không có nhiều căn cứ gần để phản ứng nhanh trong trường hợp cáp dưới biển bị hư hại.

Ngay cả các yếu tố tự nhiên như biến đổi khí hậu cũng có thể thúc đẩy "cuộc chiến" cáp ngầm tiếp diễn, khi Bắc Cực đang trở thành nơi xây dựng hạ tầng thông tin mới, có thể tạo ra các cuộc xung đột cáp trong tương lai.

Trước nguy cơ ngày càng cao rằng các cuộc chiến cáp sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chính quyền và Quốc hội Mỹ cũng đã bắt đầu chú ý đến mối đe dọa này. Đạo luật Bảo vệ và an ninh cáp dưới biển (H.R.9766), được đề xuất vào tháng 9/2024, là một bước khởi đầu quan trọng.

Ngoài việc tăng cường bảo vệ cáp viễn thông dưới biển và các trạm tiếp đất trong lãnh thổ Mỹ, Washington đang hợp tác chặt chẽ hơn với NATO và các đồng minh để chống lại các nỗ lực công khai lẫn vùng xám từ các thế lực tiềm tàng.

Ninh Trần

Theo Asia Times

Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/cap-quang-ngam-va-cuoc-dua-quyen-luc-duoi-cac-vung-bien-khap-the-gioi-a323874.html