Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa đã tới Mỹ để đàm phán về thuế quan (Ảnh: Reuters).
"Thật vinh dự khi vừa gặp phái đoàn Nhật Bản về thương mại. Tiến triển lớn!", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội mà không cung cấp thêm chi tiết về nội dung cuộc gặp ngày 16/4.
Theo đó, phía Nhật Bản đã cử Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Ryosei Akazawa tới khởi động vòng đàm phán tại Washington.
Ban đầu, Tokyo muốn giới hạn nội dung trao đổi ở các vấn đề thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, ngay từ sáng cùng ngày, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tham gia cuộc họp để nêu thêm các vấn đề khác, trong đó có khoản chi phí mà Nhật Bản đang phải gánh để duy trì lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại nước này, vốn là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.
"Nhật Bản hôm nay sẽ đàm phán về thuế quan, chi phí hỗ trợ quân sự và công bằng thương mại", ông Trump viết trên nền tảng Truth Social. "Tôi sẽ dự họp cùng Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thương mại. Hy vọng có thể đạt được điều gì đó tốt hoặc tuyệt vời cho cả Nhật Bản và Mỹ!", ông bày tỏ.
Cuộc gặp có sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và một số quan chức cấp cao khác.
Bộ trưởng Scott Bessent cho biết ông muốn đưa vấn đề gai góc về tỷ giá hối đoái vào chương trình nghị sự với Nhật Bản, một trong những quốc gia đầu tiên bước vào đàm phán trực tiếp kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế diện rộng với hàng chục quốc gia, bao gồm cả đồng minh và đối thủ, hồi đầu tháng này.
Một chủ đề tiềm năng khác có thể được đưa ra là khả năng Nhật Bản rót vốn vào một dự án khí đốt trị giá hàng tỷ USD tại bang Alaska, ông Bessent tiết lộ.
Trước chuyến đi, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa cho biết Tokyo kỳ vọng các cam kết tăng cường đầu tư vào Mỹ sẽ có thể thuyết phục Washington rằng hai bên có thể đạt một "thỏa thuận cùng thắng" mà không cần phải sử dụng đến các biện pháp thuế quan gây tranh cãi.
Theo ông Bessent, việc Nhật Bản khởi động đàm phán sớm có thể mang lại "lợi thế tiên phong", trong bối cảnh Mỹ tiết lộ đã có hơn 75 quốc gia đề nghị được đối thoại.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm 14/4 khẳng định Tokyo, dù là đồng minh thân cận của Washington, sẽ không vội vàng ký kết bất kỳ thỏa thuận và không có kế hoạch nhượng bộ lớn. Ông Ishiba cũng cho biết trước mắt không áp dụng các biện pháp đáp trả đối với thuế quan của Mỹ.
"Điểm khó cho Nhật Bản là Mỹ đã đơn phương tạo ra đòn bẩy quá lớn cho mình", ông Kurt Tong, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.
"Mỹ đang đưa ra đề nghị "không dùng gậy đánh Nhật", trong khi Nhật Bản lại bị đặt vào thế phải đưa ra hàng loạt "củ cà rốt: Từ góc nhìn của Tokyo, đây giống như một hình thức ép buộc kinh tế", ông Tong nói thêm.
Trước đó, tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng về việc tăng mạnh thuế nhập khẩu với nhiều đối tác thương mại đã gây lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát leo thang và lãi suất tăng, khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.
Nhật Bản hiện chịu mức thuế 24% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, dù phần lớn trong số đó, giống nhiều loại thuế của ông Trump, đã được tạm hoãn trong 90 ngày. Tuy nhiên, mức thuế chung 10% vẫn còn hiệu lực, cùng với mức thuế 25% dành cho ô tô - một ngành trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc vào xuất khẩu.
Ông Trump từ lâu đã phàn nàn tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản và các quốc gia khác, cho rằng doanh nghiệp Mỹ đang bị thiệt thòi do các chính sách thương mại không công bằng, cùng việc nhiều nước cố tình giữ đồng tiền yếu để tăng sức cạnh tranh xuất khẩu.
Tuy nhiên, Tokyo bác bỏ cáo buộc thao túng đồng yên để giành lợi thế thương mại.
Link nội dung: https://www.kinhtevadulich.vn/ong-trump-noi-dat-tien-trien-lon-trong-dam-phan-thue-quan-voi-nhat-ban-a323602.html